Vì sao trẻ bị đau đầu buồn nôn? Bạn nên chăm sóc trẻ như thế nào?
Vì sao trẻ bị đau đầu buồn nôn? Bạn nên chăm sóc trẻ như thế nào?
Mặc dù hiện tượng đau đầu ở trẻ em là vấn đề phổ biến và ít khi nghiêm trọng, thế nhưng nếu trẻ bị đau đầu buồn nôn thì đây có thể là một dấu hiệu bất thường.
Có khá nhiều nguyên nhân gây nhức đầu ở trẻ. Tương tự như người lớn, trẻ vẫn có thể bị đau nửa đầu, đau đầu do cảm sốt, căng thẳng hoặc nghiêm trọng hơn là do chấn thương. Tuy nhiên, các triệu chứng đau đầu kèm buồn nôn ở trẻ thường khiến ba mẹ mơ hồ và không biết vì sao. Do đó, nếu bạn đang băn khoăn về vấn đề này thì có thể tìm hiểu thông tin qua bài viết sau để chăm sóc sức khỏe của con đúng cách.
Nguyên nhân trẻ bị đau đầu buồn nôn
Đau đầu ở trẻ em rất phổ biến và có nhiều mức độ khác nhau nhưng thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ bị đau đầu buồn nôn thì đây là dấu hiệu ba mẹ không nên chủ quan và cần đưa con đi khám. Sau đây là một số nguyên nhân chính gây nhức đầu ở trẻ mà bạn cần lưu ý:
1. Chấn thương đầu
Trẻ nhỏ thường hiếu động và có nguy cơ bị té ngã nhiều hơn người lớn. Vì vậy, các vết sưng tấy và bầm tím vùng đầu có thể gây đau đầu ở trẻ. Nếu tai nạn không nghiêm trọng thì hầu hết các chấn thương ở đầu chỉ ở mức nhẹ. Tuy nhiên, nếu con của bạn ngã và đầu bị va đập mạnh thì không nên chủ quan. Đặc biệt là khi trẻ bị đau đầu buồn nôn hay có dấu hiệu lừ đừ, mệt mỏi… sau khi té thì cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt vì chấn thương đầu lúc này có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Trẻ bị đau đầu buồn nôn do chứng đau nửa đầu
Trẻ bị đau đầu buồn nôn có thể là triệu chứng điển hình của bệnh
đau nửa đầu. Tương tự như người lớn, trẻ em cũng có thể bị đau nửa đầu và hội chứng này thường là do di truyền. Các triệu chứng của đau nửa đầu bao gồm:
- Nhói hoặc đau đầu
- Đau đầu nặng hơn khi vận động
- Làn da nhợt nhạt
- Đau bụng
- Buồn nôn, nôn mửa
- Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.
3. Trẻ bị đau đầu buồn nôn do ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm cũng là nguyên nhân quan trọng không thể bỏ qua nếu trẻ bị đau đầu buồn nôn sau khi ăn. Bên cạnh đó, nitrat là một chất bảo quản thực phẩm được tìm thấy trong các loại thịt đã qua xử lý như thịt xông khói, xúc xích… hoặc chất phụ gia có trong bột ngọt cũng có thể gây đau đầu ở trẻ em. Ngoài ra, nếu trẻ nhỏ uống nhiều soda, đồ uống thể thao… cũng có thể bị nhức đầu. Vì vậy, bạn nên hạn chế cho con ăn những thực phẩm không lành mạnh.
Những nguyên nhân kể trên được xem là các tác nhân chính khiến trẻ bị đau đầu buồn nôn. Bên cạnh đó, những cơn đau đầu thông thường ở trẻ em còn có thể do:
4. Bệnh tật và nhiễm trùng
Những căn bệnh thường gặp như cảm lạnh,
cảm cúm, nhiễm trùng tai và xoang là những nguyên nhân phổ biến gây đau đầu ở trẻ em. Bên cạnh đó, viêm màng não hoặc viêm não cũng có thể gây nhức đầu nhưng trường hợp này khá hiếm gặp.
5. Các vấn đề trong não
Một số vấn đề bên trong não như khối u, áp xe hoặc chảy máu bên trong hiếm khi gây đau đầu nghiêm trọng nhưng bạn vẫn cần lưu ý. Bởi vì các vấn đề trong não có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng khác như vấn đề thị giác, chóng mặt và thiếu phối hợp tay chân ở trẻ.
6. Yếu tố tâm lý
Tình trạng căng thẳng, lo lắng vì áp lực học tập hoặc các mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô và bạn bè đều có thể góp phần gây ra chứng đau đầu ở trẻ. Hơn nữa, trẻ em có thể biết mình đau đầu nhưng thường khó nhận ra cảm giác buồn, cô đơn hoặc trầm cảm. Trong trường hợp này, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe của con thì cha mẹ cũng cần quan tâm đến cảm xúc của trẻ nhiều hơn để góp phần làm giảm chứng đau đầu do căng thẳng.
Nhìn chung, tình trạng trẻ bị đau đầu thường không nghiêm trọng nhưng nếu bé bị đau đầu buồn nôn do chấn thương, ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh lý nào đó thì sẽ cần được chăm sóc y tế kịp thời.
Mách bạn cách chăm sóc trẻ bị đau đầu
Ngoại trừ trường hợp trẻ bị đau đầu buồn nôn nghiêm trọng cần đi khám thì đối với những lúc trẻ bị đau đầu thông thường, bạn nên chăm sóc con theo những lời khuyên sau:
- Cho trẻ nằm nghỉ trên giường với điều kiện phòng mát mẻ, yên tĩnh và giảm ánh sáng.
- Chườm khăn mát lên trán, cổ hoặc mắt của trẻ khi con ngủ.
- Cho trẻ ăn uống đủ chất và khuyến khích con uống nhiều nước lọc mỗi ngày.
- Không gây áp lực và căng thẳng cho trẻ. Bạn nên cởi mở và thường xuyên trò chuyện với con.
- Bạn có thể cho trẻ dùng thêm thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen. Tuy nhiên, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn về việc dùng thuốc và không nên quá lạm dụng thuốc để làm giảm cơn đau đầu ở trẻ.
- Đối với chứng đau nửa đầu ở trẻ, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc điều trị hoặc phòng ngừa. Đồng thời, bạn cũng cần giúp con tránh xa các tác nhân gây nhức đầu như thực phẩm, đồ uống, vận động mạnh…
Trẻ bị đau đầu buồn nôn có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nếu bạn đã cho trẻ nghỉ ngơi, uống thuốc nhưng không thuyên giảm thì cần đưa con đi khám. Hơn nữa, đau đầu tuy là vấn đề phổ biến ở trẻ em nhưng ba mẹ không nên ngó lơ nếu con thường xuyên than thở với bạn về những cơn đau đầu. Việc đi khám trong trường hợp trẻ đau đầu không rõ lý do là điều cần thiết để đảm bảo trẻ được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.