BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ “THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ” THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là những phẩm chất cơ bản trong hệ thống quan điểm đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính Người là tấm gương mẫu mực về thực hành những chuẩn mực đạo đức đó. Trong bối cảnh hiện nay, nhận thức sâu sắc để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn là việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tập thể Nhà trường cần vận dụng tốt tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc thực hiện được thể hiện thường xuyên thông qua công tác chuyên môn, thông qua thái độ, tác phong, lối sống hành ngày của đảng viên, viên chức và người lao động của Trường như: tiết kiệm thời gian, đi làm đúng giờ, sắp xếp thời gian khoa học, cân đối giải quyết công việc cơ quan và gia đình; tiết kiệm tiền bạc, của cải vật chất cho Trường và gia đình: tắt các thiết bị không cần thiết khi không sử dụng, ý thức sử dụng nước tiết kiệm tại các nơi công cộng; tiết kiệm giấy tờ thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác, hạn chế phát hành văn bản giấy,…. Những hoạt động trên đã phần nào thể hiện ý thức tiết kiệm, chống lãng phí rất tốt của đảng viên, viên chức, người lao động của Trường. Bên cạnh đó, còn hạn chế trong việc vận dụng đôi lúc chưa được khoa học, chưa thường xuyên, chưa có những giải pháp thiết thực, khả thi. Vẫn còn tình trạng chưa tiết kiệm, chưa tận dụng hết quỹ thời gian để làm việc hiệu quả, chưa có ý thức tiết kiệm điện, nước, cơ sở vật chất khác trong quá trình sử dụng, trong đời sống vẫn còn lãng phí tiền bạc, ăn uống,…
Cần thực hiện các giải pháp mang tính thiết thực, hiệu quả được đưa ra như: (1) Nâng cao nhận thức của đảng viên và quần chúng về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua việc tuyên truyền, kể các mẫu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; (2) Mỗi đảng viên, quần chúng phải là trung tâm tự ý thức để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vì để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp có thành công hay không là do ý thức của đội ngũ đảng viên, quần chúng. Muốn vậy, mỗi đảng viên, mỗi quần chúng phải không ngừng tự trau dồi đạo đức, phải tận tâm, tâm huyết, thấu hiểu tất cả các chủ trương, chính sách của Trường để đồng hành cùng Trường thực hiện nhiệm vụ. Khi một đảng viên, quần chúng đã xem Trường là ngôi nhà thứ hai thì khi đó họ mới có ý thức tiết kiệm cho Trường, bởi tiết kiệm, chống lãng phí cho Trường cũng chính là tiết kiệm, chống lãng phí cho chính bản thân họ; (3) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hành văn bản, tiết kiệm giấy tờ, sử dụng tái chế các loại giấy, tăng cường khai thác, bảo quản, vệ sinh tài sản, cơ sở vật chất để tăng thời gian sử dụng và tạo nguồn thu; (4) Xây dựng các quy chế, quy định đảm bảo định mức vừa phải, phù hợp với thực tế; Xây dựng dự toán, Kế hoạch sử dụng kinh phí hàng năm phải trên nguyên tắc cắt giảm tối đa các hoạt động không cần thiết, mang tính hình thức, phô trương, kết hợp giải quyết nhiều công việc trong cùng một hội nghị, sự kiện để tiết kiệm thời gian, ngân sách; (5) Có cơ chế kiểm tra, giám sát qua đó đề nghị khen thưởng, phê bình, xử lý vi phạm đối với các trường hợp “nói không đi đôi với làm”. Qua đó mới có thể tạo động lực cho người thực hiện, triển khai tốt công việc và mang tính răn đe đối với người chưa thực hiện nghiêm,…