Dấu hiệu nhận biết sốc phản vệ ở trẻ
Trẻ em khi bị tức ngực, khó thở, phát ban, đau bụng… xảy ra đột ngột có thể là dấu hiệu trẻ bị sốc phản vệ.
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng diễn ra nhanh, bao gồm một loạt các triệu chứng có thể bắt đầu trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Trong một số trường hợp khẩn cấp, sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Sốc phản vệ không thể đoán trước thời điểm xảy ra. Tình trạng này có thể gặp ở trẻ mọi độ tuổi, kể cả trẻ sơ sinh. Theo Healthy Children (Mỹ), một số triệu chứng dưới đây có thể báo hiệu tình trạng: trẻ khó thở, thở khò khè, ho hoặc tức ngực, khó nuốt, thay đổi da như phát ban, mẩn đỏ, nổi mề đay, nhợt nhạt, sưng môi, lưỡi. Biểu hiện hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, cổ họng thắt chặt, khàn tiếng, mạch yếu, có triệu chứng sốc, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt hoặc ngất xỉu, buồn ngủ hoặc kích động... cũng là triệu chứng của sốc phản vệ.
Đau bụng xảy ra đột ngột có thể là dấu hiệu dị ứng phản ứng. Ảnh: Freepik
Đối với trẻ sơ sinh, bé có thể gặp các triệu chứng khác như cáu kỉnh, quấy khóc hoặc khóc lóc vô cớ , chảy nước dãi đột ngột, buồn ngủ bất thường...
Ngay khi thấy trẻ có một trong những dấu hiệu trên, phụ huynh nên nhanh chóng gọi đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ cấp cứu. Trong thời gian chờ nhân viên y tế, phụ huynh cho bé nằm ngửa. Nếu bé bị nôn hoặc khó thở hãy để trẻ nằm nghiêng. Phụ huynh không cho con ăn, uống bất cứ thứ gì trong thời gian chờ cấp cứu.
Có nhiều nguyên nhân có thể trở thành chất gây dị ứng dẫn đến sốc phản vệ, có thể đến từ thức ăn như đậu phộng, sữa, trứng, các loại hạt cây như quả óc chó, quả hồ quả hồ đào và hạt điều, thức ăn từ động vật như tôm, cá dễ gây ra dị ứng. Ngoài ra, ong, kiến lửa, rắn, rết... có thể gây ra sốc phản vệ cho trẻ. Trong một số trường hợp hiếm hoi, tình trạng có thể liên quan đến hoạt động tập thể dục.
Phụ huynh nến có con từng có tiền sử dị ứng nên hỏi ý kiến bác sĩ để chuẩn bị một số loại thuốc tại nhà. Nếu trẻ có nguy cơ dị ứng cao, hoặc đã từng bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng trước đó, phụ huynh nên học về các cách sơ cứu, cách xử lý cơ bản.
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa cấp cứu cho bệnh nhi 13 tuổi bị sốc phản vệ với hải sản. Theo gia đình cho biết, bệnh nhi sau khi ăn tôm thì ngứa toàn thân. Gia đình cho bệnh nhi uống thuốc nhưng không đỡ, hỏi không trả lời, đại tiểu tiện không tự chủ. Bệnh nhi cấp cứu trong tình trạng nổi ban toàn thân, phù mắt, thở rít. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi sốc phản vệ do thực phẩm, cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ.