ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO TRẺ TRONG MÙA DỊCH “SỐT XUẤT HUYẾT”
Thời gian gần đây, thời tiết Hà Nội thường xuyên có những cơn mưa kéo dài dai dẳng trong nhiều ngày, đây chính là nguy cơ dẫn đến sự phát triển của một số loại dịch bệnh, trong đó không thể không nhắc đến dịch “sốt xuất huyết”. Vậy làm cách nào để đảm bảo an toàn sức khoẻ, đặc biệt là cho trẻ nhỏ - đối tượng dễ chịu tổn thương nhất trong hoàn cảnh dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Xin mời các bậc cha mẹ học sinh cùng tham khảo bài viết sau đây:
Bệnh sốt xuất huyết và nguồn gốc
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh gây ra những cơn đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp, sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, dạng nặng có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong. Hiện nay, số ca nhiễm sốt xuất huyết mỗi năm đều lên đến khoảng 50 – 1000 ca và đã xảy ra trên 100 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Căn bệnh này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và cần được quan tâm
Hình ảnh muỗi vằn truyền virus Dengue
Những dấu hiệu và triệu chứng sốt xuất huyết
Có ba loại bệnh sốt xuất huyết: sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ), sốt xuất huyết chảy máu và sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue). Trong đó, triệu chứng sốt xuất huyết thường bắt đầu với những dấu hiệu như: sốt kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi (đỉnh điểm lên đến 40 độ C), nhức đầu, đau phía sau mắt, khớp, buồn nôn, ói mửa và phát ban (các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1-2 ngày rồi lại phát lại vào ngày sau đó).
Đối với trẻ nhỏ, sốt xuất huyết sẽ xuất hiện kèm theo những triệu chứng như: đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, ho, sổ mũi, tiêu chảy, sốt cao và chấm xuất huyết nhỏ dưới da...
Hệ quả khi bị sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc đặc trị, do đó những hệ quả khi chẳng may mắc phải dịch sốt xuất huyết là tương đối lớn. Ban đầu, sốt xuất huyết khiến cơ thể con người mệt mỏi, kiệt sức do sốt cao và nôn mửa nhiều ngày, lâu dần tình trạng xuất huyết liên tục sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn hệ thống tuần hoàn, gây suy tim, suy thận nghiêm trọng. Đối với trẻ nhỏ, khi phát triển đến giai đoạn nặng, sốt xuất huyết gây ra tình trạng mất máu ở trẻ thông qua những hình thức như chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu qua vết thương hở…, khiến cơ thể trẻ bị sốc và tụt huyết áp. Bên cạnh đó, bệnh này còn gây ra tình trạng tràn dịch ở phổi và hôn mê cho trẻ. Khi huyết tương trong cơ thể bị tràn ra sẽ xâm nhập và ảnh hưởng vào đường hô hấp gây tràn dịch dẫn đến viêm phổi, phù phổi cấp; những huyêt tương ứ đọng ở màng não qua các thành mạch lâu dần sẽ gây ra tình trạng hôn mê, phù não ở trẻ…
Cách phòng ngừa và điều trị
Với loại bệnh nguy hiểm như trên, việc tìm hiểu những kiến thức để phòng tránh bệnh và các biến chứng là vô cùng quan trọng. Quý phụ huynh có thể tham khảo những cách làm sau đây để đảm bảo an toàn cho con khi ở nhà trong mùa “dịch chồng dịch” như hiện nay.
Cách phòng ngừa: Đầu tiên, cần loại bỏ nơi sinh sống và sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước, tránh cho muỗi đẻ trứng; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn như bể để diệt lăng quăng, bọ gậy; thay rửa các dụng cụ chứa nước, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, không để chai lọ, rác thải xuất hiện nhiều trong nhà. Kế đến, nên chủ động phòng chống bị muỗi đốt: mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hoá chất, phòng dịch…
Hình ảnh về một số cách phòng tránh sốt xuất huyết
Cách điều trị: Khi có dấu hiệu bị bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ nên đưa đến những cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Cho trẻ sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt và lây lan bệnh cho mọi người xung quanh. Trẻ cần được bố mẹ chăm sóc sức khoẻ và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để đảm bảo tốt sức khoẻ trong quá trình điều trị bệnh. Nên cho trẻ uống đầy đủ nước, ăn uống chậm rãi, ăn những món ăn mềm dễ tiêu hoá và giàu dinh dưỡng như: cháo, súp…, không nên cho trẻ ăn quá no và sử dụng thuộc bừa bãi khi chưa cho sự kê đơn, tham khám của bác sĩ.
Phối hợp giữa gia đình và nhà trường
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống dịch bệnh, Trường mầm non Hoa Hướng Dương hiện nay đang tích cực, chủ động phòng chống dịch :” Sốt xuất huyết” đảm bảo môi trường an toàn, sạch sẽ cho học sinh khi trở lại trường, đồng thời tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh học sinh về việc phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho con trong quá trình ở nhà. Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên chủ động đôn đốc giáo viên duy trì liên lạc kết nối với học sinh; giáo viên tích cực tổ chức xây dựng các video tuyên truyền cách giữ gìn sức khoẻ, đặc biệt là cách phòng chống dịch sốt xuất huyết. Một số biện pháp được giáo viên khuyên khích các con thực hiện như ở nhà như: cùng bố mẹ dọn dẹp môi trường xung quanh, không để nước đọng, giữ gìn nhà cửa thoáng mát, cùng giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mặc trang phục phù hợp, ăn uống đủ chất và thường xuyên luyện tập thể dục nâng cao sức khoẻ, dùng kem chống muỗi, thuốc xịt và đặc biệt không chơi ở những nơi có nguy cơ bị muỗi đốt như vườn cây, góc nhà vào những ngày mưa ẩm thấp…