Bảo vệ mắt mùa dịch đúng cách
Bảo vệ mắt mùa dịch đúng cách
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các chuyên gia y tế cảnh báo về tình trạng gia tăng các bệnh về mắt, nhất là trẻ. Vậy làm thế nào để bảo vệ mắt trong giai đoạn này, giúp mắt khỏe và sáng?
Mắt là cơ quan cảm thụ thị giác, là một trong những cơ quan tiếp nhận thông tin nhiều nhất, do vậy cũng bị ảnh hưởng trong mùa dịch. Các tật khúc xạ, khô mắt, hay thoái hóa hoàng điểm tuổi già… đều có xu hướng tăng lên.
Trong mùa dịch, các hoạt động giao lưu tiếp xúc với nhau bị hạn chế do đó các hoạt động nhìn xa cũng bị ảnh hưởng. Khi học và làm việc online mắt làm việc là chính, mắt phải tiếp xúc với các thiết bị nghe nhìn trong thời gian dài, do vậy tổn thương mắt liên quan đến thiết bị điện tử tăng lên.
Đặc trưng của vấn đề này liên quan đến 2 nhóm bệnh: Suy nhược mắt (liên quan đến các hoạt động điều tiết và khô mắt) và tật khúc xạ (cận thị ở trẻ em có tỷ lệ tăng cao).
Khi tiếp xúc với màn hình máy tính, điện thoại kéo dài thì tăng hoạt động nhìn gần dẫn đến suy nhược mắt. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến suy nhược mắt là do điều tiết (mỏi điều tiết, suy nhược điều tiết, thiểu năng quy tụ) và khô mắt. Không chỉ trong mùa dịch, người tiếp xúc với điện thoại máy tính kéo dài thì cũng gia tăng các dấu hiệu của suy nhược mắt.
Trẻ em có những trường hợp nhìn kém nhưng không phát hiện ra, khi cha mẹ đưa đi khám thì đã bị muộn.
Một trong những biểu hiện của cận thị là khi nhìn ở cự ly khác nhau mắt nheo lại, mặt nghiêng một góc để nhìn cho rõ, nháy mắt liên tục. Hoặc có những trẻ khi không tiếp xúc với màn hình điện thoại thì bình thường nhưng khi xem điện thoại thì nheo mắt lại, nháy mắt liên tục, dịu tay vào mắt…
Còn dấu hiệu của khô mắt, mỏi mắt là khi làm việc lâu cảm thấy ngứa mắt, chảy nước mắt, đau cộm mắt, nhiều lúc chỉ muốn nhắm mắt lại, mỏi mắt, nhìn không rõ… Có nhiều mức độ khô mắt. Ở mức độ nhẹ, bệnh chỉ khó chịu và có thể tự khỏi. Ở giai đoạn tổn thương nặng, không dùng thuốc không đỡ được, điều trị khó khăn. Điều trị khô mắt tùy từng mức độ khác nhau có các biện pháp điều trị khác nhau như bù nước, nước mắt nhân tạo hoặc dùng thuốc điều trị đặc hiệu như thuốc chống viêm…
Sức chịu đựng của mắt có giới hạn, do vậy cần có kế hoạch để phục hồi, cải thiện tình trạng của mắt như ngồi làm việc trong khoảng bao lâu thì nghỉ, cải thiện điều kiện nhìn như để máy tính cách xa 60cm-1m, tìm cách để chia nhỏ thời gian tiếp xúc với mắt (nhiều trường học giảm tiết học từ 45 phút xuống còn 30 phút để giảm thời gian học sinh tiếp xúc với mắt)...
Người bình thường sử dụng máy tính nhiều để tránh khô mắt nên bổ sung nước mắt nhân tạo. Bản chất của nước mắt nhân tạo 99% là nước và cao phân tử giúp giữ nước lại trên bề mặt nhãn cầu.
Nước mắt nhân tạo thông thường có thể mua được không cần kê đơn. Khi sử dụng cần chú ý sử dụng loại nước mắt nhân tạo thông thường. Nhiều loại nước mắt nhân tạo có thêm thành phần vitamin, các yếu tố co mạch, khi sử dụng dễ chịu nhưng không nên sử dụng kéo dài.