BÀI TUYÊN TRUYỀN BỆNH TAY – CHÂN - MIỆNG
&
HƯỚNG DẪN VỆ SINH KHỬ KHUẨN
CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH TAY-CHÂN-MIỆNG
UBND QUẬN LONG BIÊN
TRƯỜNG MẦM NON BẮC CẦU
BÀI TUYÊN TRUYỀN BỆNH TAY – CHÂN - MIỆNG
&
HƯỚNG DẪN VỆ SINH KHỬ KHUẨN
CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH TAY-CHÂN-MIỆNG
I . Bệnh chân tay miệng là gì?
Bệnh CTM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do nhóm vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp đó là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh CTM gặp rải rác quanh năm, nhưng có xu hướng tăng cao vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi.
II. Nhận biết trẻ mắc bệnh
Các dấu hiệu của bệnh tay-chân -miệng rất dễ nhận biết và bao gồm:
– Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
– Tổn thương ở da: dát đỏ, mụn nước màu xám có hình bầu dục có kích thước từ 2 – 10 mm và ấn không đau .
– Phỏng nước điển hình xuất hiện ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối… có kèm sốt hoặc không .
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
III. Phân loại bệnh theo mức độ nặng
1. Bệnh nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà:
Có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt. Người chăm trẻ phải được hướng dẫn đầy đủ về cách chăm sóc bệnh nhi, cách phát hiện sớm các triệu chứng nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời khi cần. Ưu điểm của chăm trẻ bệnh nhi tại nhà là trẻ được hưởng điều kiện vệ sinh tốt hơn, môi trường xung quanh sạch sẽ và đặc biệt là giảm được nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh.
2. Bệnh nặng, cần nhập viện điều trị:
Bệnh được đánh giá là nặng khi có các biểu hiện sau:
Sốt cao liên tục không thể hạ được.
Mệt mỏi không chơi, ngủ nhiều, lơ mơ, ngủ gà….
Giật mình
Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú ở tay, chân.
Thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè….
Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
IV . Điều trị và chăm sóc
Bệnh chân-tay -miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu & hiện chưa có văccin phòng bệnh chỉ điều trị triệu chứng .
Tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Các biện pháp khắc phục:
– Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, …
– Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…
– Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt…Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.
V. Phòng bệnh
* Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em chúng ta cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
5. . Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
HƯỚNG DẪN VỆ SINH KHỬ KHUẨN
CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH TAY-CHÂN-MIỆNG
NĂM 2018
1. Mục tiêu: Thực hành vệ sinh - khử khuẩn đúng cách hoàn thiện qui trình tổ chức và thực hiện vệ sinh - khử khuẩn đều đặn, thường xuyên ở lớp học.
2. Thực hiện: Tổ chức và phân công nhân sự.
3. Xây dựng và triển khai: Đảm bảo thực hiện mục tiêu.
- Tập trung cả trường/khối lớp: hóa chất và pha dung dịch mẹ (0.5%)
- Lớp học:
+ Pha dung dịch con theo các nồng độ khác nhau theo yêu cầu vệ sinh, khử trùng đồ chơi/vật dụng/các bề mặt môi trường (0.05% và 0.1%).
+ Thực hiện vệ sinh - khử trùng đúng cách và đúng lịch.
4. Khái niệm về làm sạch, vệ sinh và khử khuẩn:
- Làm sạch: Loại bỏ đất, bụi, chất hữu cơ bằng nước và xà phòng hoặc các chất lau nhà , giảm mầm bệnh.
- Vệ sinh: Dùng hóa chất làm giảm mầm bệnh đạt ngưỡng an toàn (áp dụng đối với thực phẩm, đồ chơi và học cụ).
- Khử trùng: Dùng hóa chất tiêu diệt mầm bệnh (nhưng không loại trừ bào tử).
Vệ sinh:
• Là 1 hình thức khử trùng - thay thế cho công việc lau chùi làm sạch mỗi ngày.
• Nồng độ Clo dùng trong vệ sinh thường thấp hơn khử trùng nhiều lần (thường sử dụng # 0,05% Clo hoạt tính).
5. Chất khử trùng chứa clo - NỒNG ĐỘ GỐC:
- Cloramin nồng độ 25% B là loại hóa chất thường dùng để khử trùng bề mặt (vật dụng & bề mặt môi trường) trong lĩnh vực y tế và gia dụng.
- Khi hòa tan với nước, các hóa chất này sẽ giải phóng 1 lượng clo hoạt tính có tác dụng khử trùng.
6. Chất khử trùng chứa clo - NỒNG ĐỘ VỆ SINH-KHỬ KHUẨN
- Tùy theo mục đích, cách thức khử trùng, sự đề kháng của mầm bệnh, clo hoạt tính có trong dung dịch khử trùng đã pha có nồng độ khác nhau.
nồng độ Clo hoạt tính cần thiết cho
+ Vệ sinh dụng cụ/đồ chơi/bề mặt môi trường: 0,05%
+ Khử trùng bề mặt vật dụng/môi trường: 0,1% đến 1%
- Vì vậy trong việc pha dung dịch khử trùng, cần phải tính toán đủ khối lượng hóa chất cần thiết để đạt được dung dịch có nồng độ Clo hoạt tính muốn sử dụng.
7. Nồng độ vệ sinh khử khuẩn thường dung trong môi trường mầm non:
Nồng độ Clo hoạt tính Mục đích khử trùng
0,05% - Vệ sinh hàng ngày (*)
0.1% - Khử trùng hàng tuần khi không có ca bệnh
0.5% - Khử trùng hàng ngày khi có ca bệnh
1% - Xử lý chất tiết, đờm rãi, máu khối lượng nhỏ
(*) thay thế làm sạch mỗi ngày. Sử dụng dung dịch Clo có nồng độ 0,05%
. Bảng pha hóa chất áp dụng cho Chlorramin B 25% (thường hay sử dụng):
Mục đích sử dụng Nồng độ Clohoạt tính khuyến cáo Lượng hoá chất cần pha trong 1 lít nước Lượng hoá chất cần pha trong 10 lít nước
Vệ sinh hàng ngày 0,05% 2 gam
(# 1/2 muỗng cà phê) 20 gam
Khử khuẩn hàng tuần 0,1 % 4 gam
(# 1 muỗng cà phê) 40 gam
Xử lý khi có dịch, ca bệnh (*) 0,5 % 20 gam
(# 5 muỗng cà phê
Hoặc 2 muỗng ăn cơm) 200gam
* Thực hành: Các bước khử trùng BỀ MẶT Đồ đạt - vật dụng - môi trường:
- Bước 1: Làm sạch để loại bỏ đất bụi, chất hữu cơ, mầm bệnh.
Lau chùi, cọ rửa với: nước sạch /hoặc các chất tẩy rửa khác (xà phòng, nước lau nhà).
- Bước 2: .
+ Lau ướt hoặc phun ướt các bề mặt hoặc nhúng ướt khăn vào dung dịch khử trùng có nồng độ Clo phù hợp.
+ 30 phút sau lau lại bằng nước sạch, sau đó lau khô.
Ghi chú : Hiệu quả khử trùng sẽ bị ảnh hưởng nếu các bề mặt không được làm sạch trước khi khử trùng. Bề mặt, vật dụng, môi trường nhiễm đất, bụi, chất hữ cơ phải được làm sạch bằng nước và xà phòng trước khi khử trùng.
** Một số lưu ý:
- Hòa tan hoàn toàn lượng hóa chất vào nước sạch cần thiết.
- Các dung dịch khử trùng có Clo sẽ giảm tác dụng nhanh theo thời gian, cho nên chỉ pha đủ lượng cần sử dụng và phải sử dụng càng sớm càng tốt sau khi pha.
- Tốt nhất chỉ pha và sử dụng trong ngày, không nên pha sẵn để dự trữ.
- Dung dịch khử trùng chứa Clo đã pha cần bảo quản ở nơi khô, mát, đậy kín, tránh ánh sáng.
- Hóa chất phải được bảo quản cẩn thận trong hộp đậy nắp kín và để tránh sa tầm tay của trẻ .
Thực hiện khi tại trường, lớp có bệnh nhân tay, chân, miệng:
- Sử dụng bột Cloramin B 25%: vệ sinh hàng ngày: pha 10 muỗng cà phê bột Chloramin B trong 2 lít nước, để ngâm rửa đồ chơi, lau chùi các bề mặt tiếp xúc với bệnh nhân, 20 – 30 phút sau lau, rửa lại bằng nước sạch.
- Có thể sử dụng nước Javel 5% thay thế Cloramin B: vệ sinh hàng ngày, pha gấp 10 lần lượng Javel theo hướng dẫn pha khử trùng trên nhãn chai với cùng một lượng nước, để ngâm rửa đồ chơi, lau chùi các bề mặt tiếp xúc với bệnh nhân, 20 -30 phút sau lau, rửa lại bằng nước sạch.
- Khi làm vệ sinh bằng dung dịch khử trùng phải sử dụng 2 xô (1 xô chứa dung dịch khử trùng, 1 xô chứa nước sạch); trong khi lau bằng dung dịch khử trùng nếu thấy khăn khô hoặc bị dơ, phải xả sạch khăn lau bằng nước, sau đó nhúng vào dung dịch khử khuẩn để lau tiếp.
- Thực hiện khử trùng hàng ngày liên tiếp trong 10 ngày kể từ khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, sau đó duy trì vệ sinh hàng ngày và khử trùng hàng tuần như khi không có bệnh nhân.
Nhân Viên Y Tế