Vitamin nào có lợi cho người sốt xuất huyết?
SKĐS - Sốt xuất huyết gây giảm tiểu cầu, làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm khả năng bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây bệnh. Vậy để tăng tiểu cầu thì cần bổ sung các vitamin nào?
1. Bổ sung nước cho bệnh nhân sốt xuất huyết
-
Bệnh nhân sốt xuất huyết gây sốt cao dẫn đến mất nước. Do vậy việc đầu tiên và vô cùng quan trọng để tránh tình trạng sốc là cần bổ sung nước và điện giải. Loại nước phù hợp là
dung dịch oresol.
- Ngoài ra, có thể uống các loại nước trái cây: Nước cam, bưởi, nước chanh, nước dừa… Trong các loại nước trái cây có nhiều khoáng chất và vitamin, giúp tăng cường sức đề kháng.
- Cuối cùng là nước lọc, nếu bệnh nhân cảm thấy quá khó chịu khi phải uống nhiều các loại nước kể trên.
- Việc bổ sung nước qua đường truyền cần thực hiện tại cơ sở y tế - nơi có đủ phương tiện cấp cứu chống sốc. Không được truyền tại nhà.
- Không uống các loại nước ngọt đóng chai, nước có gas...
2. Bổ sung vitamin
2.1. Vitamin C
Vitamin C là chất oxy hóa tự nhiên giúp tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. Với bệnh nhân bị sốt xuất huyết, tiểu cầu thấp thì vitamin C đóng vai trò quan trọng giúp tiểu cầu hoạt động hiệu quả. Ngoài ra vitamin C cũng giúp hấp thụ sắt tốt hơn, giúp tăng số lượng tiểu cầu trong sốt xuất huyết.
Thực phẩm giàu vitamin C.
Trong tự nhiên, nguồn thực phẩm giàu vitamin C: Xoài, cam, bưởi, ổi, dứa, cải xanh, cà chua, súp lơ... Tuy nhiên với bệnh nhân sốt xuất huyết thường chán ăn, nên có thể bổ sung vitamin C qua đường uống dạng viên nén hoặc viên nang. Nên bổ sung từ 500-2000mg vitamin C mỗi ngày.
2.2. Vitamin B12
Vitamin B12 là thành phần quan trọng tham gia vào cấu tạo nên tế bào hồng cầu và góp phần tăng sản xuất tế bào tiểu cầu; giúp giữ cho các tế bào máu khỏe mạnh. Thiếu vitamin B12 có liên quan đến tiểu cầu thấp trong sốt xuất huyết. Vì thế bổ sung vitamin B12 là cần thiết với bệnh nhân sốt xuất huyết.
Nhu cầu vitamin B12 mỗi ngày ở người từ 14 tuổi trở lên là 2.4mcg; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú nhu cầu này là 2.8mcg. Người có tiểu cầu thấp nên bổ sung lớn hơn lượng bình thường để cơ thể sản sinh tiểu cầu tốt hơn.
Thực phẩm giàu vitamin B12 bao gồm: Trứng, thịt bò, gan, cá hồi, cá ngừ, sữa và các chế phẩm từ sữa…
Với người ăn chay, bổ sung vitamin B12 từ sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, ngũ cốc hoặc từ các loại thực phẩm chức năng.
Nếu chán ăn nên không bổ sung đủ vitamin B12 qua chế độ ăn, có thể bổ sung dạng thuốc đường uống theo chỉ định của bác sĩ.
Vitamin B12 rất quan trọng trong cấu tạo nên hồng cầu và sản sinh tiểu cầu.
2.3. Vitamin B9 (folate - acid folic)
Đây là một vitamin nhóm B, đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tái tạo và duy trì tăng trưởng của mọi tế bào, đặc biệt là tế bào máu. Vitamin B9 rất cần thiết trong sản xuất các tế bào hồng cầu khỏe mạnh và sản sinh tiểu cầu. Do vậy bệnh nhân sốt xuất huyết cần chú ý bổ sung vitamin B9.
Trung bình một người trưởng thành cần bổ sung 400mcg folate.
Các thực phẩm giàu vitamin B9: Thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, rau có màu xanh đậm, các loại ngũ cốc, các loại đậu…
Bệnh nhân sốt xuất huyết nên cố gắng bổ sung qua thực phẩm hơn là bổ sung vitamin B9 tổng hợp (thực phẩm chức năng hoặc thuốc). Bởi bổ sung dạng tổng hợp có thể làm giảm chức năng của vitamin B12.
Đến nay sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, ngoài việc chăm sóc y tế thì cần chú ý đến chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng.
Ngoài các chất nêu trên, trong chế độ ăn cần bổ sung thực phẩm giàu chất đạm, sắt, vitamin A, giàu kẽm…
Để tránh các vấn đề về tiêu hóa, bệnh nhân sốt xuất huyết cần tránh các thực phẩm cứng, khó nuốt và thức ăn nhiều dầu mỡ, chua cay, các chất kích thích… Nên cho bệnh nhân ăn các thực phẩm mềm, dễ nuốt, chế độ ăn dễ hấp thu.