Vì sao trẻ bị tiêu chảy lại bổ sung kẽm?
Ngoài giúp tăng khả năng miễn dịch, kẽm còn giúp cơ quan tiêu hóa lập lại quá trình hấp thu của đường ruột bị rối loạn trong khi bị tiêu chảy. Kẽm cũng giúp tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ biếng ăn, giúp trẻ sớm cải thiện tình trạng dinh dưỡng.
Ngày nay, việc điều trị và quản lý trẻ bị tiêu chảy đã tốt hơn, nhưng làm sao để rút ngắn thời gian điều trị, giúp trẻ phục hồi sớm và giảm tỷ lệ mắc tiêu chảy vẫn là những câu hỏi luôn được đặt ra.
1. Nguyên nhân gây tiêu chảy
Theo BS. Đào Trường Giang - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy ở trẻ em là do virus, hay gặp là rotavirus và norovirus gây bệnh chủ yếu vào mùa lạnh. Trẻ thường nôn nhiều, nôn sớm trong những ngày đầu, có thể kèm theo sốt nhẹ. Khi trẻ đi ngoài thì sẽ đỡ nôn.
Có thể gặp vi khuẩn gây tình trạng phân có nhầy, máu, hay gây bệnh vào mùa nóng. Ký sinh trùng và nấm ít gặp hơn. Mọc răng không phải là nguyên nhân gây tiêu chảy.
Tiêu chảy do virus rất dễ lây. Trẻ bị bệnh đào thải virus qua chất nôn, phân và từ đó nhiễm cho người khác nếu đồ ăn, nước uống bị nhiễm những chất này.
2. Điều trị tiêu chảy như thế nào?
Cũng theo BS. Giang, phần lớn trẻ sẽ hồi phục tốt với những biện pháp điều trị cơ bản bao gồm: Bù nước, điện giải với oresol; dinh dưỡng đầy đủ và dùng thuốc như men vi sinh, bổ sung kẽm, dùng thuốc làm đặc phân, kháng sinh (nếu cần)…
- Bù nước điện giải nên dùng loại oresol pha với 200ml nước hoặc hydrite cũng pha với 200ml nước hoặc loại oresol pha với 1000ml nước. Không nên dùng các chất bù nước điện giải trong thể thao.
- Các thuốc như men vi sinh, kẽm làm giảm thời gian tiêu chảy, tăng tốc độ hồi phục niêm mạc ruột. Kháng sinh chỉ dùng khi có chỉ định, không lạm dụng để tránh gia tăng đề kháng kháng sinh.
- Truyền dịch sẽ được thực hiện cho trẻ mất nước mức độ nặng, trẻ không thể uống được, trẻ nôn nhiều. Việc này không phải là thường quy và phải được thực hiện tại cơ sở y tế.
- Về chế độ ăn, vẫn có thể duy trì bình thường hoặc lỏng hơn. Hạn chế đồ ăn cay, nhiều mỡ vì dễ kích thích và khó hấp thu.
Rất cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ qua chế độ ăn trong khi bị tiêu chảy
3. Vai trò của kẽm trong điều trị tiêu chảy
Hầu hết các phụ huynh nuôi con nhỏ ít nhiều đều biết đến oresol và men vi sinh thường được sử dụng trong tiêu chảy cho trẻ. Nhưng ít ai biết đến vai trò của kẽm, đặc biệt là đối với trẻ thiếu cân, chế độ ăn kém…
- Kẽm là một trong những giải pháp hiệu quả, rẻ tiền, dễ sử dụng và dễ áp dụng cho cả cộng đồng.
- Kẽm còn góp phần lập lại quá trình hấp thu bình thường của ruột đã bị rối loạn trong thời gian tiêu chảy.
Do đó bổ sung kẽm trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em là cần thiết. Cụ thể:
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sử dụng kẽm ở trẻ bị tiêu chảy có tác dụng làm giảm thời gian bị bệnh, tăng tốc độ hồi phục của đường ruột và còn làm giảm tỷ lệ mắc tiêu chảy trong 3 tháng tiếp theo. Cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy, kẽm có tác dụng với cả những bệnh nhân tiêu chảy kéo dài, tiêu chảy nhiễm khuẩn chứ không chỉ với tiêu chảy do virus.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo nên sử dụng kẽm cho trẻ bị tiêu chảy cấp thời gian kéo dài 10 - 14 ngày với mục đích trên.
Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, ngoài giúp tăng khả năng miễn dịch, kẽm còn giúp cơ quan tiêu hóa lập lại quá trình hấp thu của đường ruột bị rối loạn trong khi bị tiêu chảy. Kẽm cũng giúp tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ biếng ăn, giúp trẻ sớm cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Do đó, với trẻ em bị tiêu chảy cần bổ sung kẽm.
Ngoài ra, có thể phối hợp với bổ sung các vitamin nhóm B, vitamin A... để giúp tăng hiệu quả điều trị tiêu chảy.
4. Bổ sung kẽm đúng cách
BS. Giang cho biết, trên thực tế điều trị, nhiều bệnh nhi tiêu chảy kéo dài không được bổ sung kẽm, có thể do từ phía bác sĩ đã "quên" không tư vấn và cả phía phụ huynh cũng không biết được vai trò của kẽm trong tiêu chảy cấp.
- Để bổ sung kẽm, trước hết cần cho trẻ ăn ăn đa dạng thực phẩm.
- Chú ý cho trẻ ăn những thực phẩm chứa nhiều kẽm như thịt gà, trai, hến, tôm, cua, các loại hạt, các loại rau củ như nấm, rau chân vịt, súp lơ…
- Việc bổ sung kẽm dạng thuốc, cần có sự tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý dùng.
Rửa tay sạch là một trong những biện pháp phòng bệnh
5. Cần theo dõi trẻ thế nào?
- Trẻ cần được theo dõi dấu hiệu mất nước: Môi khô, khóc không có nước mắt, mắt trũng, tiểu ít, tình trạng dinh dưỡng, khả năng uống nước... Việc này cần được hướng dẫn bởi bác sĩ, không khuyến cáo bố mẹ trẻ tự theo dõi khi chưa có kinh nghiệm và chưa được hướng dẫn đầy đủ.
- Ngoài các biểu hiện trên, nếu trẻ có sốt cao, nôn, đi tiêu phân lỏng nhiều, đi nhiều lần/ngày, không thể ăn hoặc uống, lờ đờ, mệt mỏi… nên được đưa đi khám ngay.
- Nếu gia đình trẻ chưa có đầy đủ kinh nghiệm chăm sóc và theo dõi trẻ bị tiêu chảy cấp cũng nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn, hướng dẫn đầy đủ trước khi có các biểu hiện nêu trên.
- Trẻ bị bệnh có thể lây nhiễm ngay cả khi bản thân chưa có triệu chứng hoặc sau khi hết triệu chứng hàng tuần hay hàng tháng tùy tác nhân gây bệnh. Việc rửa tay và quản lý chất nôn, phân của trẻ bị bệnh sẽ hạn chế bệnh lây lan.
- Người chăm sóc trẻ cần rửa tay trước, sau khi chuẩn bị đồ ăn; trước, sau khi cho trẻ ăn; sau khi đi vệ sinh; sau khi tiếp xúc với các nguồn lây; sau khi thay tã; sau khi chạm vào chất nôn, phân của trẻ…
Do tác nhân gây tiêu chảy có thể theo phân vào nước khi đi bơi và làm lây lan bệnh rất nhanh chóng, nên đối với trẻ lớn tránh đi bơi trong khi và sau khi bị bệnh tiêu chảy cấp ít nhất một tuần.