Vì sao phải tiêm mũi 3 vắc-xin phòng COVID-19?
Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao phải tiêm mũi 3 vắc-xin phòng COVID-19, có phải vắc-xin mũi 1,2 không có tác dụng với biến thể mới?
Theo Bộ Y tế, đến hết ngày 26/12, cả nước đã tiêm được 1.115.915 mũi 3 (đối với vắc-xin Abdala ); 377.729 liều bổ sung và 783.757 liều nhắc lại.
Bộ Y tế cho biết rút ngắn
khoảng cách tiêm mũi 3 sau mũi hai từ 6 tháng xuống còn 3 tháng nhằm tăng cường kháng thể để chống lại sự lây lan của biến chủng Omicron.
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19. (Ảnh minh họa).
Về câu hỏi: Vì sao phải tiêm mũi 3 rồi 4, có phải vắc-xin mũi 1,2 không có tác dụng với biến thể mới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Bộ Y tế cho biết, có loại vắc-xin hiệu quả bảo vệ rất cao và kháng thể tồn tại lâu trong cơ thể (có thể suốt đời). Tuy vậy, vắc-xin phòng COVID-19 hiệu quả bảo vệ không thật cao như mong muốn (theo công bố của các nhà sản xuất có loại 70% có loại đến 90%...).
Đặc biệt, nồng độ kháng thể sẽ giảm sau khi tiêm mũi cuối cùng từ 4 tháng đến 6 tháng vì vậy bạn phải tiêm mũi nhắc lại sau 3 tháng. Đối với người cần tiêm mũi bổ sung thì tiêm sau 28 ngày.
Việc tiêm mũi 4, 5, 6… còn tùy theo tình hình dịch cũng như vấn đề cung ứng vắc-xin. Ví dụ như bệnh cúm thì tiêm vắc-xin hằng năm.
Đối với những người đã tiêm 2 mũi, nhưng vẫn bị mắc COVID-19 vẫn cần tiêm mũi 3. Vì theo văn bản số 10722/BYT-DP về việc tiêm
vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại ngày 17/12/2021 của Bộ Y tế quy định thì những người mắc COVID-19 khi hồi phục hoặc hết thời hạn cách ly vẫn cần tiêm mũi nhắc lại và tiêm sau mũi tiêm thứ 2 là 3 tháng.
Hiện nay, vắc-xin COVID-19 được xem là "hộ chiếu" an toàn giúp cơ thể được bảo vệ bởi kháng thể, giảm nguy cơ lây nhiễm virus
SARS-CoV-2, đặc biệt giảm triệu chứng nặng, giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, các bằng chứng thời gian gần đây cho thấy hiệu quả của vắc-xin có thể giảm theo thời gian và các loại vắc-xin COVID-19 hiện đang sử dụng có thể kém hiệu quả hơn đối với biến thể của virus SASR-CoV-2.
Vì vậy, việc tiêm mũi vắc-xin bổ sung và nhắc lại là hết sức cần thiết nhằm duy trì hiệu quả kháng thể để bảo vệ trước COVID-19, nhất là các đối tượng cao tuổi hoặc làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao. Ngoài ra, sự xuất hiện gần đây của biến thể Omicron (B.1.1.529) càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc tiêm nhắc lại mũi thứ 3.
Bộ Y tế đề nghị đến ngày 31/12 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022.
Liều cơ bản là vắc-xin tiêm theo liệu trình quy định của nhà sản xuất. Việt Nam đang tiêm chủ yếu là các loại vaccine liệu trình hai liều (thường gọi là mũi một, mũi hai), như vắc-xin của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik..., mỗi liều tiêm cách nhau 3-6 tuần tùy loại. Vắc-xin của Johnson & Johnson liệu trình chỉ một mũi duy nhất; còn vắc-xin của Cuba liệu trình 3 mũi tiêm.
Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, người tiêm vắc-xin của Sinopharm, Sputnik phải tiêm mũi bổ sung mới được xem đủ liều cơ bản.
Liều bổ sung là liều tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày.
Liều nhắc lại, còn gọi là liều tăng cường, tiêm ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung. |