Vệ sinh khử khuẩn phòng tránh lây nhiễm SARS–CoV-2, khi nhà là nơi… "chạm" an toàn
Vệ sinh khử khuẩn phòng tránh lây nhiễm SARS–CoV-2, khi nhà là nơi… "chạm" an toàn
Vệ sinh khử khuẩn bề mặt tại nhà để mỗi thành viên trong gia đình có những cái "chạm" an toàn đóng góp một phần rất lớn vào công cuộc phòng chống dịch, giúp kiểm soát và phòng ngừa lây lan SARS-CoV-2 trong bệnh viện, gia đình và cộng đồng.
Cứ 30 giây chúng ta lại chạm vào khoảng 300 bề mặt khác nhau. Do đó, việc vệ sinh bằng chất lau rửa dùng trong nhà bằng dung dịch phun và khử khuẩn bề mặt làm giảm mầm bệnh trên bề mặt và giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, vi khuẩn lao, nấm, nấm men và virus cũng như các mầm bệnh lây truyền bề mặt. Đặc biệt, khử khuẩn nhà và các bề mặt thường xuyên tiếp xúc tại nhà góp phần làm giảm nguy cơ lây lan của COVID-19. Đây là một vấn đề được BSCKII. Xa Thị Minh Hoa – Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn (KSNK), Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đặc biệt lưu ý, cụ thể hơn về cách lựa chọn sản phẩm theo tiêu chí "ĐÚNG và ĐỦ". "ĐÚNG" là đúng hóa chất và đúng chỉ định, cách sử dụng; "ĐỦ" là đủ về lượng dùng khuyến cáo, tần suất, đủ thời gian tiếp xúc,... để đem lại hiệu quả tốt hơn.
Thưa bác sĩ, để tạo một ngôi nhà "CHẠM AN TOÀN" cần cân nhắc đến những yếu tố nào khi lựa chọn hóa chất xử lý bề mặt?
Sản phẩm tốt cho việc làm sạch và khử khuẩn bề mặt, vật dụng, môi trường cần đạt 4 tiêu chí sau: thứ nhất là khả năng làm sạch và khử khuẩn của hóa chất tốt, có hiệu quả diệt khuẩn cao đối với mọi vi sinh vật, đặc biệt là virus SARS-CoV-2.
ADVERTISING
Thứ hai, hóa chất, sản phẩm đó phải không độc, thân thiện với môi trường và an toàn với con người, đặc biệt các gia đình có trẻ nhỏ đề kháng yếu, trẻ sơ sinh có làn da rất nhạy cảm, rất dễ bị kích ứng với hóa chất.
Thứ ba, sản phẩm đó, hóa chất đó phải an toàn, phù hợp với các thiết bị, vật dụng, bề mặt cần làm sạch.
Thứ tư, đó phải là các hóa chất, sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép, thông qua rất nhiều tiêu chí ngặt nghèo, an toàn với con người và đạt được hiệu quả diệt khuẩn tối đa.
Bác sĩ có thể chia sẻ về tần suất vệ sinh các bề mặt trong hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ?
Theo Quyết định số 3916/QĐ-BYT, có 2 cách phân loại các bề mặt cần vệ sinh. Thứ nhất là phân loại theo mức độ ô nhiễm và nguy cơ lây nhiễm. Thứ 2 là phân loại theo mức độ tiếp xúc thường xuyên.
Đối với các hộ gia đình, chúng ta nên phân theo cách 2. Tốt nhất là chúng ta vệ sinh 6h/lần hoặc tối thiểu 2 lần/ngày cả sáng, tối đối với các vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều khiển tivi, tay vịn cầu thang, lan can, bảng điều khiển thang máy,… hoặc thấy bẩn chúng ta phải lau ngay. Tắt các thiết bị điện tử, công tắc đèn trước khi khử khuẩn.
Còn đối với các bề mặt ít tiếp xúc như sàn nhà, tường, bàn, ghế, các đồ vật, bề mặt tại khu vực công cộng (hành lang, sảnh chờ, khu vui chơi, khu thể dục thể thao, cầu thang bộ...) tối thiểu 1 lần/ngày.
Nhất là đối với chỗ chơi của trẻ nhỏ, nôi, bàn ăn của bé, dụng cụ đựng đồ ăn thức uống,… phải thường xuyên vệ sinh, lau khử khuẩn bằng các sản phẩm an toàn được cấp phép.
Việc vệ sinh lau dọn, khử khuẩn nhà cửa là việc làm hàng ngày nhưng chúng ta cũng hay mắc sai lầm, xin bác sĩ có thể chia sẻ thêm về điều này?
Chúng ta phải tuân thủ đúng cách sử dụng theo hướng dẫn nhà sản xuất, tuân thủ nồng độ, quy cách, thời hạn sử dụng, với lượng hóa chất này thì sẽ sử dụng trên bề mặt là diện tích bao nhiêu để đạt hiệu quả diệt khuẩn tốt nhất.
Với những sản phẩm hóa chất vệ sinh bề mặt chỉ có 1 tác dụng như làm sạch hoặc tẩy rửa, khử khuẩn, chúng ta phải qua các bước: Đầu tiên là làm sạch bề mặt bằng dung dịch hoặc xà phòng. Hai là lau bằng khăn sạch với nước sạch rồi sau đó để khô tự nhiên. Thứ ba là lau lại bằng chất tẩy rửa diệt khuẩn. Chúng ta lau theo nguyên tắc lau từ nơi sạch đến nơi bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Sử dụng găng tay cao su, khẩu trang khi thực hiện vệ sinh khử khuẩn.
Một điểm lưu ý nữa là tất cả các sản phẩm hóa chất, diệt khuẩn bề mặt cần phải đặt ở vị trí an toàn, tránh xa tầm với của trẻ để hạn chế rủi ro, đã có trường hợp trẻ uống nhầm phải chai nước vệ sinh khử khuẩn gây những tổn thương rất đáng tiếc.
Còn đối với các sản phẩm có tác dụng 2 trong 1 vừa làm sạch, vừa khử khuẩn, chúng ta sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí rất nhiều mà sản phẩm lại đạt hiệu quả tối ưu trong làm sạch và khử khuẩn bề mặt.