Vaccine - "lá chắn" Covid-19 học đường
Việc bao phủ vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ độ tuổi 12-17 là điều kiện quan trọng để thực hiện "bình thường mới" trong nhiệm vụ dạy và học hiện nay.
Nhấn để phóng to ảnh
Học sinh ở TPHCM được tiêm vaccine phòng Covid-19 (Ảnh: Hoàng Lê).
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 8 triệu người từ 12-18 tuổi. Đây là nhóm đối tượng đang được ưu tiên tiêm vaccine phòng
Covid-19 sau khi các địa phương hoàn thành bao phủ vaccine cho người từ đủ 18 tuổi trở lên.
Việc tiêm chủng cho trẻ đang được triển khai đồng loạt ở tất cả địa phương, dưới sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành giáo dục bởi nhóm tuổi này phần lớn là học sinh các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Ngoài việc sử dụng loại vaccine theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, kế hoạch tổ chức tiêm chủng cho trẻ được Bộ Y tế xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả cao nhất.
Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, hạ dần lứa tuổi, tiêm cho học sinh lớp 11-12 trước sau đó đến lớp 10 và kết thúc tiêm chủng cho trẻ khối phổ thông trung học thì sẽ tiêm cho học sinh trung học cơ sở, cũng từ lứa tuổi cao đến thấp.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên thực hiện tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ. Hiện, nhiều nước trên thế giới đã hoàn thành việc bao phủ vaccine (2 mũi) cho nhóm đối tượng này. Các nghiên cứu và đánh giá sau tiêm chủng tại các quốc gia này đã khẳng định hiệu quả phòng ngừa của vaccine đối với trẻ cũng như ngăn ngừa sự lây lan hay trở nặng trong trường hợp mắc Covid-19.
Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi là một trong những giải pháp chủ chốt để mở cửa lại trường học ở nhiều địa phương trước mối lo ngại tình hình dịch vẫn đang có nhiều diễn biến bất thường với những biến chủng nguy hiểm hơn.
Cùng với việc bao phủ vaccine và giải pháp "bong bóng học đường", tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch, trẻ được đảm bảo quyền được đến trường, được tham gia các hoạt động xã hội, đảm bảo sự phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần cho trẻ, vốn đã chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch nguy hiểm này.
Một điều đáng ghi nhận là việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ được sự đồng thuận cao từ phụ huynh, người giám hộ, đáp ứng được mong mỏi trong bảo vệ trẻ trước đại dịch. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn, lo ngại có thể tác dụng bất lợi của vaccine đối với sức khỏe của trẻ trước mắt và lâu dài. Những lo lắng của người làm cha, làm mẹ chúng ta có thể hiểu được, nhất là khi đã xuất hiện trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm và đau lòng hơn khi có trường hợp tử vong sau tiêm chủng.
Dịch Covid-19 có thể tấn công bất kỳ ai trong số chúng ta, và trẻ em không phải là ngoại lệ. Việc tiêm vaccine cho trẻ không thể tách rời mục tiêu bao phủ vaccine phòng Covid-19 cho người dân cả nước. Sau tiêm chủng, trẻ cần sự hỗ trợ và giám sát chặt chẽ của phụ huynh để đảm bảo mọi diễn biến sức khỏe đều được phát hiện và can thiệp kịp thời từ ngành y tế.
Vaccine không phải là "thần dược" có thể bảo vệ trẻ hoàn toàn trước đại dịch. "Lá chắn Covid-19" ở trường học chỉ được tạo ra khi thầy và trò được tiêm chủng đủ liều; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch; các cơ sở giáo dục phải có kế hoạch ứng phó với dịch một cách linh hoạt, an toàn.
Đây là điều kiện không thể tách rời để đảm bảo mở cửa lại trường học và hoàn thành khung chương trình năm học trong bối cảnh "bình thường mới" của ngành giáo dục.