Từ 17-11, Hà Nội điều chỉnh biện pháp thu dung, cách ly, xử lý F0 và F1
Chiều tối 16-11, UBND TP Hà Nội đã ra Công điện số 23/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới.
Cụ thể, trong bối cảnh
Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước đã mở rộng, nới lỏng các hoạt động, lượng người từ các địa phương khác trở về Thành phố làm việc, giao dịch tăng nhanh liên tục theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ.
Số lượng các ca nhiễm tăng nhanh tại nhiều địa bàn TP Hà Nội với nhiều ổ dịch phức tạp; một số tổ chức, đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ và người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh, không thực hiện nghiêm quy định 5K trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin chưa đạt độ bao phủ theo yêu cầu và người dưới 18 tuổi chưa được tiêm; nguy cơ, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khó lường.
Căn cứ Công điện số 8149/CĐ-VPCP ngày 7-11-2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống dịch; với quan điểm xuyên suốt nhằm giữ vững thành quả đạt được để bảo vệ an toàn cho Thủ đô, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn triển khai các biện pháp trên địa bàn thành phố.
Siết chặt quy định, kỷ cương phòng chống dịch
Chính quyền, Ban chỉ đạo, Sở chỉ huy phòng, chống dịch các cấp việc chủ động đánh giá cấp độ, nguy cơ dịch bệnh ngay từ cơ sở; Thành phố định hướng, quy định các chủ trương chung; từng cấp ngành và chính quyền cơ sở chủ động triển khai các biện pháp ngay từ cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ” và đồng bộ các khâu, nhiệm vụ phòng, chống dịch (phong tỏa, xét nghiệm, truy vết, y tế tại chỗ…). Cấp trên chịu trách nhiệm toàn diện đối với các lĩnh vực, địa bàn trực tiếp phụ trách.
Các địa phương nỗ lực giữ vững thành quả chống dịch; đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và tiếp tục rà soát chính sách, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội.
Thí điểm điều trị F0 thể nhẹ tại địa phương và cách ly F1 tại nhà
Công điện của UBND TP Hà Nội cũng quy định bắt đầu từ ngày 17-11, thành phố điều chỉnh lại công tác thu dung và điều trị các trường hợp F0 và F1.
Cụ thể, thành phố sẽ xây dựng các kịch bản thu dung, điều trị các ca nhiễm F0 và đối tượng F1 theo mô hình tháp 3 tầng. Các ca nhiễm F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại các điểm thu dung địa phương với phương châm 4 tại chỗ. Đầu tiên, mô hình này sẽ được tổ chức thí điểm tại Long Biên, Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Trì và Mỹ Đức với quy mô từ 150 tới 300 giường.
Sau khi hoàn thiện quy trình, các cơ sở thu dung, điều trị dành cho đối tượng trên ở cấp cơ sở quận, huyện, thị xã. Cùng với đó, thành phố sẽ ra soát mở rộng các cơ sở thu dung, điều trị tại các cơ sở thu dung của thành phố, các Bệnh viện tuyến huyện và tuyến thành phố; huy động nguồn lực từ các cơ sở khám chữa bệnh Trung ương và tư nhân trên địa bàn tham gia công tác thu dung, điều trị; chuẩn bị nguồn lực và nhân lực y tế tham gia điều trị trong các kịch bản diễn biến của dịch.
Công điện cũng nêu rõ các biện pháp điều chính phương án cách ly đối với F1. Theo đó, thời gian cách ly tập trung đối với F1 được điều chỉnh xuống còn 14 ngày. Thành phố tiếp tục duy trì các khu cách ly tập trung đối với F1 tại các địa phương và chuẩn bị sẵn các kịch bản mở rộng khi cần.
Đặc biệt, thành phố cho phép thí điểm tổ chức cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội.
Đối với trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, thực hiện bắt buộc cách ly tập trung hoặc tự nguyện cách ly tại khách sạn (theo nguyện vọng cá nhân, phải có đơn xin tự nguyện cách ly tại khách sạn đã được Thành phố phê duyệt làm cơ sở cách ly tập trung (F1) và cam kết chi trả kinh phí).
Tăng cường kiểm soát người từ địa phương khác về Hà Nội
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu da cam) và các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai... cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có Quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà, xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7 thay cho chỉ xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 1.
Đối với những người tiêm chưa đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 đi về từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3, tương ứng màu da cam): cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày (có Quyết định cách ly của địa phương), tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện biện pháp 5K; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7 từ khi tới Hà Nội (thay cho việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà và không chỉ định xét nghiệm).
Những người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 về Hà Nội đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2): Tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày, xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 1.
Những người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19 đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2): Tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7.
Tất cả các trường hợp trên ngay khi về đến Hà Nội phải khai báo y tế và thông báo, cam kết với chính quyền địa phương; trong suốt thời gian cách ly, tự theo dõi sức khỏe luôn thực hiện 5K, nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như: ho, sốt, đau rát họng, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác... cần báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; các trường hợp khác thực hiện theo Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 29-10-2021 của UBND thành phố.
Chuẩn bị sẵn các kịch bản đối phó với tình huống dịch bệnh bùng phát
UBND thành phố giao Sở Y tế bảo đảm xử lý nhanh, kịp thời kiểm soát dịch bệnh trong mọi tình huống trên địa bàn; tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin, ưu tiên tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi, công nhân các khu công nghiệp, chế xuất, lực lượng shipper, vận chuyển, người làm việc tại các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao như trung tâm thương mại, siêu thị, phụ nữ có thai...; chuẩn bị tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dưới 18 tuổi theo kế hoạch của thành phố.
Sở cũng cập nhật các thông tin, dữ liệu phục vụ việc xác định cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo dõi, đánh giá, nhận định và dự báo tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ đạo thành phố phòng, chống dịch Covid-19 chủ động triển khai biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, tình hình thực tiễn của thành phố.
Bên cạnh đó, Sở Y tế tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, kể cả y tế quận, huyện, thị xã, bố trí trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị, ô xy để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, công tác phòng, chống dịch trong mọi tình huống. Ban hành văn bản hướng dẫn việc thí điểm cách ly y tế tại nhà cho người tiếp xúc gần (F1); tổ chức tập huấn quản lý, giám sát cách ly đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; định kỳ giám sát việc thực hiện tại cơ sở.
Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã khẩn trương xây dựng, trình UBND thành phố ban hành và tổ chức diễn tập Phương án đáp ứng thu dung khám, điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 tại tuyến y tế cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ” có khả năng đáp ứng với tình huống có 100.000 người bệnh.
Chủ động phối hợp các Bệnh viện, cơ sở y tế Bộ, ngành Trung ương, các Trường Đại học, cao đẳng Y dược và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn để huy động, điều phối nhân lực, hỗ trợ (bác sĩ, sinh viên, học sinh, y, bác sĩ đã nghỉ hưu) tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi có yêu cầu.
Xây dựng phương án tổ chức dạy học trực tiếp
Sở Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì, phối hợp Sở Y tế và UBND huyện Ba Vì đánh giá việc tổ chức dạy học trực tiếp thời gian vừa qua, khẩn trương phối hợp các quận, huyện, thị xã rà soát xây dựng phương án cụ thể để tổ chức mở rộng việc dạy học trực tiếp tại các quận, huyện, thị xã trong thời gian tới.
Các Sở, ban, ngành thành phố và UBND các cấp căn cứ nhiệm vụ, chức năng, lĩnh vực, địa bàn quản lý: tăng cường cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không gây phiền hà, phát sinh các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân; tổ chức hiệu quả khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đảm bảo công tác an sinh xã hội hiệu quả, đúng đối tượng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không được chủ quan lơ là, thực hiện nghiêm an toàn Covid-19; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19.