Trẻ em có nguy cơ cao mắc những bệnh truyền nhiễm nào?
Do đặc điểm lứa tuổi, điều kiện sinh hoạt, học tập tập thể, cùng các nguy cơ bệnh dịch ngoài môi trường, khiến trẻ em trong độ tuổi đi học dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Bệnh truyền nhiễm gây dịch là cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, tiêu chảy, thủy đậu…Theo nhận định, hiện các bệnh truyền nhiễm đang là mối quan tâm toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm mới nổi như: Cúm A/H1N1, cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV… thì các dịch bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng đặc biệt là COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo các chuyên gia, ở độ tuổi học đường, trẻ có nhiều tiếp xúc xã hội phức tạp, do đó, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, khả năng học tập, chất lượng sống của trẻ.
1 - Đặc điểm bệnh truyền nhiễm
Bệnh truyền nhiễm đều có khả năng lây từ người bệnh sang người lành, nhiều bệnh phát triển thành dịch, đại dịch gây tử vong cũng lớn.
Nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm thường là các loại vi khuẩn, virus và được gọi là mầm bệnh. Sau khi thâm nhập vào cơ thể, gặp điều kiện thuận lợi các mầm bệnh sẽ phát triển mạnh mẽ gây bệnh cho cơ thể.
Một số bệnh phát triển trong môi trường ô nhiễm, vệ sinh kém và xâm nhập vào cơ thể trẻ qua đường tiêu hóa. Một số bệnh lây truyền qua đường không khí, qua dịch tiết khi ho, hắt hơi hay nói chuyện.
Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học và y học, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được đẩy lùi, nhưng một số bệnh truyền nhiễm vẫn lan tràn và còn là mối đe doạ như viêm gan virus, sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết do virut Ebola, nhiễm HIV/AIDS… Một số mầm bệnh trong quá trình phát triển đột biến gây nên bệnh lý mới, rất nặng và khó chẩn đoán như SARS, cúm A H5N1… Điều đáng lo ngại là trẻ em có thể mắc bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp, điển hình như virus SARS-CoV-2.
Việt Nam cũng được coi là "điểm nóng" của các bệnh truyền nhiễm mới nổi, bởi tập quán sống gần gia cầm, vật nuôi, chưa kể thói quen sinh hoạt, ăn uống (như ăn tiết canh động vật, ăn thịt tái sống...) cũng là những nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng sự lây lan bệnh từ động vật sang người. Nhiều vụ dịch xảy ra quanh năm như sốt xuất huyết Dengue, lỵ amip, cúm, lỵ trực khuẩn…
Trẻ em có thể mắc bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp, điển hình như virus SARS-CoV-2
2 - Vì sao trẻ em dễ mắc bệnh truyền nhiễm?
Ở trẻ em do đặc điểm có một số yếu tố quan trọng gồm độ tuổi, khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, cấu tạo gen và bệnh lý đi kèm có thể ảnh hưởng đến việc mắc bệnh truyền nhiễm.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ trong độ tuổi đến trường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện, trẻ có xu hướng đưa mọi thứ vào miệng và hiếm khi rửa tay sạch.
Theo nghiên cứu, trẻ em nhất là ở độ tuổi học đường như nhà trẻ, mầm non, tiểu học… dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Nguyên nhân là do trẻ có nhiều tiếp xúc, sinh hoạt ở lớp học, nhà trẻ ở trường nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao.
Ngoài ra, đối với trẻ em sức đề kháng yếu hơn người lớn nên khi có các tác nhân bên ngoài như thời tiết thay đổi, dịch bệnh... trẻ dễ bị vi khuẩn, virus có hại tấn công và gây bệnh, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sự phát triển. Một số bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng về sức khỏe thể chất, tinh thần, sức khỏe sinh sản sau này, thậm chí tử vong.
3 - Một số bệnh truyền nhiễm hay gặp ở trẻ em
Cảm lạnh
Cảm lạnh thông thường là bệnh phổ biến ở trẻ em. Nếu trẻ em mắc thì tỷ lệ tái phát và các triệu chứng sẽ kéo dài hơn so với người trưởng thành. Cảm lạnh thông thường có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào trong năm, mặc dù thường xảy ra nhất vào mùa thu và mùa đông. Cảm lạnh được truyền từ người này sang người khác, hoặc lây qua đường tiếp xúc trực tiếp và có thể qua tiếp xúc với virus trong môi trường, dễ lây nhất trong 2-4 ngày đầu.
Trẻ em dưới 6 tuổi trung bình từ 6-8 đợt cảm lạnh trong năm (có thể 1lần/tháng, từ tháng 9 - đến tháng 4), với triệu chứng kéo dài trung bình 14 ngày. Những trẻ đi học dường như bị cảm lạnh nhiều hơn trẻ chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, trẻ càng lớn thì bị cảm lạnh ít hơn, có lẽ vì đã có hệ miễn dịch tốt hơn.
(Ảnh minh họa)
Viêm phổi do phế cầu
Phế cầu khuẩn là vi khuẩn Streptococcus Pneumoniae, phế cầu khuẩn cư trú chủ yếu ở mũi, họng và đường thở của người khỏe mạnh, thường không gây bệnh, được gọi là người lành mang trùng. Trẻ em là nhóm đối tượng chính dễ mắc bệnh, theo thống kê hàng năm trên thế giới có gần nửa triệu trẻ em tử vong vì các bệnh do vi khuẩn phế cầu gây nên. Tỷ lệ mắc bệnh tăng cao hơn, dễ dàng hơn nếu có kết hợp với dịch cúm.
Vi khuẩn phế cầu Streptococcus Pneumoniae thường gây ra nhiều bệnh lý nhiễm khuẩn phế cầu khác nhau, không chỉ viêm phổi mà phổ biến là bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, những bệnh nhiễm trùng nặng viêm màng não… Phế cầu khuẩn có ở trong chất tiết mũi, họng của người bệnh.
Bệnh lây qua giọt bắn của người mang vi khuẩn gây bệnh bằng tiếp xúc trực tiếp qua đường miệng hoặc gián tiếp qua các vật thể mới bị nhiễm chất tiết đường hô hấp của người bệnh. Bệnh thường gặp qua sự lây truyền giữa người với người, nhưng hiếm khi xảy ra với người có tiếp xúc tình cờ, thoáng qua.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi, nhất là những trẻ hay mắc phải viêm họng, viêm phế quản phổi, vừa trải qua tiêu chảy... thì rất dễ mắc bệnh và là một yếu tố khiến trẻ bị suy dinh dưỡng. Hiện nay, trên thế giới đã có vaccin phòng bệnh, tuy nhiên nó lại không tỏ ra có hiệu lực đối với trẻ dưới 2 tuổi.
Vi khuẩn phế cầu Streptococcus Pneumoniae thường gây ra nhiều bệnh lý nhiễm khuẩn phế cầu khác nhau
Bệnh Tay Chân Miệng
Bệnh Tay Chân Miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ mắc bệnh. Bệnh gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi.
Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh này, mà chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm). Đối với trường hợp nặng phải đảm bảo xử trí theo nguyên tắc hồi sức cấp cứu (ABC...). Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho trẻ.
Bệnh Tay Chân Miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người mà trẻ dễ mắc phải
Bệnh sốt xuất huyết Dengue
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes Aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Điều trị sốt xuất huyết Dengue phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời. Hiện chưa có vaccin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường loại bỏ ổ chứa nước đọng.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên
Bệnh sởi, rubella
Bệnh Sởi và Rubella là những bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, bệnh rất dễ lây lan có thể tạo thành các ổ dịch tại các trường học. Điều kiện thuận lợi để bệnh lây lan diện rộng là: Điều kiện sống chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, điều kiện vệ sinh môi trường kém (tại các khu đông dân cư, trường học…), tỉ lệ người được tiêm ngừa miễn dịch tại cộng đồng thấp.
Đường lây truyền chung của bệnh là người hít phải những giọt dịch tiết đường mũi họng (nước bọt, nước mũi) có chứa virus của người bệnh khi tiếp xúc mặt đối mặt với người bệnh.
Trẻ em tiếp xúc với các vật dụng, các bề mặt (sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi…) có dính chất tiết mũi họng, chất dịch từ vết thương của người bệnh có chứa virus. Hiện tại, chưa có thuốc đặc trị nên chủ yếu là dựa vào tiêm chủng để phòng bệnh là chính.
Hiện đã có loại vaccin ngừa cùng lúc cả 3 bệnh Sởi - Quai bị - Rubella được sử dụng cho trẻ từ 12 - 15 tháng tuổi và nhắc lại khi trẻ được 6 - 12 tuổi.
Hướng dẫn trẻ các biện pháp phòng ngừa lây bệnh truyền nhiễm trong đó có biện pháp đeo khẩu trang
4 - Cần làm gì để bảo vệ trẻ tốt nhất khỏi các nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm?
Có một số bệnh truyền nhiễm có thể điều trị bằng thuốc đặc hiệu như kháng sinh trong viêm phổi, viêm màng não mủ. Tuy nhiên, rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn như bạch hầu, ho gà... do virus như bại liệt, viêm gan... rất khó khăn trong việc điều trị và khi trẻ mắc bệnh để lại nhiều di chứng, thậm chí tử vong. Do đó, trong vấn đề chăm sóc sức khỏe nói chung tốt nhất là phòng bệnh hơn là chống bệnh.
Để phòng bệnh cha mẹ cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cùng với đó, nên hướng dẫn trẻ cách tự chăm sóc bản thân như tránh tiếp xúc những nguy cơ lây bệnh đối với bản thân trẻ và lây lan cho cộng đồng.
Cần che miệng khi ho, đeo khẩu trang khi bị bệnh, giảm tiếp xúc với người bệnh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh các bệnh lây truyền đường tiêu hóa.
Vệ sinh cơ thể, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày để tránh bệnh lây truyền qua da. Không được đi chân trần, ăn thực phẩm không hợp vệ sinh để tránh nhiễm ký sinh trùng giun đũa, giun móc...