Tìm hiểu sự thật về những lời nói dối của trẻ
Khi trẻ nói dối có thể làm cha mẹ khó chịu và lo lắng. Điều quan trọng là hiểu được ý nghĩa lời nói dối của trẻ trước khi bạn phản ứng với điều đó.
Hiểu biết về lời nói thật
Hiểu biết của trẻ về lời nói thật phụ thuộc vào sự phát triển của trẻ.
- Lời nói dối của trẻ dưới 3 tuổi không có ý nghĩa. Trẻ không hiểu rằng suy nghĩ là riêng tư và trẻ tin rằng cha mẹ có thể đọc được suy nghĩ của trẻ. Trẻ 2 tuổi ở trong một cửa hàng có thể nói “Tại sao mẹ để lạc con?”. Trẻ nghĩ người mẹ biết được nơi trẻ đang đứng ngay cả khi trẻ ở ngoài tầm mắt.
- Trẻ 3-4 tuổi đang hiểu rằng những người khác không biết trẻ đang nghĩ gì. Trẻ ở độ tuổi này có một trí tưởng tượng phong phú. Trẻ thích thú sử dụng kiến thức mới của trẻ và thông thường thử nghiệm bằng cách kể “những câu chuyện”, ví dụ: “con sói lớn đã làm việc đó”. Trẻ nhỏ thường đổ lỗi cho một ai đó hoặc xuyên tạc một câu chuyện.
- Trẻ ở những năm đầu chuẩn bị đi học thường xuyên muốn làm hài lòng cha mẹ hơn là làm những điều đúng.Trẻ có vẻ ít nói thật nếu trẻ nghĩ điều đó sẽ làm cha mẹ tức giận và khó chịu.
- Trẻ 8-9 tuổi có thể có một số hiểu biết về sự khác nhau giữa sự thật và tưởng tượng, ví dụ: hiểu biết về ông Bụt, ông Tiên ...
- Cảm giác về đúng và sai của trẻ thường phát triển khi trẻ khoảng 9-10 tuổi.
Bạn bè tưởng tượng
Một số trẻ khoảng 3-4 tuổi có một người bạn tưởng tượng. Người bạn này thường biến mất khi trẻ lớn hơn. Trẻ nói chuyện và chơi với người bạn này. Trẻ có thể tâm sự với người bạn này khi trẻ khó chịu, buồn bã hoặc đổ lỗi cho người bạn này khi trẻ làm sai điều gì đó. Bạn không cần phải lo lắng về vấn đề này trừ khi trẻ dường như thực sự lãnh đạm và không thể chơi cùng với những đứa trẻ khác và người lớn xung quanh.
Tại sao trẻ nói dối
Trẻ có thể nói dối bởi vì trẻ:
- Trẻ không đủ lớn để hiểu được sự khác nhau giữa lời nói thật và lời nói dối, hoặc đúng và sai.
- Trẻ sợ bị phạt hoặc mất tình cảm của cha mẹ
- Trẻ có lòng tự trọng thấp và muốn bản thân có vẻ tốt hơn
- Trẻ muốn gây ấn tượng với bạn bè
- Trẻ thực sự tin rằng những gì trẻ nói là sự thật - mọi thứ dường như là như vậy đối với trẻ
- Trẻ đang bắt chước người khác. Cha mẹ có thể nói rằng nói dối là hành vi sai, nhưng bản thân họ không phải luôn luôn nói thật, ví dụ: khi một ai đó ở ngoài cửa và cha mẹ nói: “hãy nói với họ là mẹ không ở nhà”
- Trẻ đang nói những gì mà trẻ mong muốn là sự thật, ví dụ: “cha của tớ luôn luôn đưa tôi đi đá bóng”
Trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên có thể nói dối bởi vì trẻ:
- Sợ hãi rằng nếu trẻ nói thật thì trẻ sẽ có thể không được cho phép làm những việc trẻ thực sự muốn làm
- Có nhu cầu để giữ đời sống riêng tư của trẻ và không chia sẻ với cha mẹ
Nếu bạn chú ý khi trẻ lừa dối thì sẽ giúp bạn hiểu được tại sao trẻ lại làm như vậy, ví dụ: điều đó là vì trẻ có đang ở cùng bạn bè, hay chỉ với một người, hay khi trẻ buồn bã?
Lời nói dối lịch sự hay lời nói dối “vô hại”
Hầu hết cha mẹ dạy cho trẻ khi trẻ lớn lên có nhiều lúc không nói ra sự thật sẽ tốt hơn, chẳng hạn như khi nói sự thật không lịch sự hoặc có thể làm tổn thương, ví dụ:
- Nói “cảm ơn về món quà đáng yêu này” cho dù trẻ thích hay không, hoặc nói trẻ thích những đồ ăn được mang đến cho trẻ cho dù trẻ có thật sự thích hay không
- Tránh sử dụng những từ gây tổn thương như ghét một thứ gì đó hoặc một ai đó xấu xí.
Mất nhiều thời gian để trẻ hiểu được sự khác nhau giữa lời nói dối lịch sự và những lời nói dối vì những lý do khác.
Cha mẹ có thể làm gì
- Cố gắng không đẩy trẻ vào cuộc chiến bắt ép trẻ nói sự thật.
- Dạy trẻ tại sao không nên nói dối, ví dụ: “Khi mọi người nói thật sẽ giúp chúng ta tin tưởng họ”. Hãy để trẻ hiểu sẽ an toàn nếu trẻ nói thật - bạn sẽ không tức giận nếu một sai sót gì đó xảy ra. Bạn biết rằng trẻ vẫn đang học hỏi để làm mọi thứ.
- Đối với trẻ lớn hơn, dạy trẻ sự khác nhau giữa sự thật và điều hoang tưởng, ví dụ: “Đây là một câu chuyện hay” hoặc “mẹ có thể thấy con sáng tạo câu chuyện đó rất dễ thương, có thể chúng ta sẽ viết lại để lưu giữ nhé”
- Nếu bạn nghĩ trẻ sợ hãi vì những hình phạt, nói về những cách mà bạn sẽ xử lý những sai lầm để trẻ không sợ hãi và trở nên tin tưởng.
- Cố gắng không buộc tội những lỗi lầm của trẻ. Hãy nói: “Mẹ thấy sữa bị đổ ra rồi, con hãy lau dọn đi nhé“ hoặc “Con có thể lau dọn không? , thay vì “Con làm đổ sữa đúng không?”
- Cho trẻ thấy bạn hiểu rằng một số lời nói dối là mong ước của trẻ, ví dụ: nếu trẻ nói rằng bố đã gọi điện thoại rất nhiều và bạn biết đó không phải là sự thật, bạn có thể nói “con đang mong bố ở đây hằng ngày với con đúng không nào”
- Đối với trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, hãy để cho trẻ có sự riêng tư cá nhân. Hỏi những gì bạn cần phải biết để bảo vệ trẻ, nhưng đừng tò mò quá nhiều. Thông thường trẻ sẽ nói với bạn vào thời điểm cần thiết và khi trẻ cảm thấy bạn sẽ lắng nghe mà không phán xét.
- Tự bản thân nói thật. Đừng thất hứa bởi vì điều đó đối với một đứa trẻ dường như là nói dối. Nếu bạn không thể làm được những gì bạn đã hứa, hãy đưa ra lý do hợp lý.
- Nếu trẻ vẫn tiếp tục nói dối với bất kỳ lý do nào hoặc không thể chấp nhận sự thật khi điều đó đã được chỉ ra cho trẻ một cách rõ ràng, bạn có thể cần đến sự giúp đỡ của chuyên gia tư vấn.