Trước tình hình dịch có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, để chủ động phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục, hạn chế tối đa tỷ lệ mắc ngày 06/02/2020 Bộ Y tế gửi Công văn đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Các trường Đại học , Học viện, Cao đẳng và Trung cấp trên địa bàn phối hợp với Sở Y tế chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông (gọi chung là Cơ sở giáo dục), các sơ sở giáo dục nghề nghiệp; Các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng và Trung cấp (gọi chung là Nhà trường), cụ thể như sau:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các nhà trường cập nhật thông tin dịch bệnh hàng ngày. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong Cơ sở giáo dục và Nhà trường, Cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các Cơ sở giáo dục và Nhà trường, Cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai tăng cường truyền thông, giám sát, theo dõi tình hình sức khỏe trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên. Phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, báo cáo với cơ quan quản lý và cơ quan y tế địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
3. Chỉ đạo các Cơ sở giáo dục và Nhà trường, Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện các biện pháp:
3.1. Tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên:
+ Súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng;
+ Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ nơi công cộng. Vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay;
+ Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch theo quy trình rửa tay của Bộ Y tế, đặc biệt tại một số thời điểm: sau khi ho, hắt hơi; trước khi ăn; sau khi đi vệ sinh; sau khi tham gia các hoạt động thê chất; khi thấy tay bẩn;
+ Giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng
+ Hạn chế tiếp xúc với các vật nuôi, động vật hoang dã;
3.2. Đảm bảo vệ sinh môi trường học:
+ Tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa;
+ Thường xuyên lau nền nhà, nắm tay cửa, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng hoặc các sản phẩm khử khuẩn thông thường khác;
+ Đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ, có đủ nước sạch và xà phòng rửa tay.
3.3. Khi phát hiện em mầm non, học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên có biểu hiện ho, sốt, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất, cơ quan quản lý để có biện pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng dịch tại các Cơ sở giáo dục và Nhà trường, Cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.