Người dân cần làm gì khi cách ly tại nhà?
Với xu hướng các ca mắc Covid-19 tăng nhanh tại nhiều địa bàn, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.
Theo đó, từ ngày 17-11,
Hà Nội thực hiện thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu da cam) và các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có Quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7 (thay cho chỉ xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 1 như trước đây).
Đối với những người tiêm chưa đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 đi về từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3, tương ứng màu da cam) cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày (có Quyết định cách ly của địa phương), tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện biện pháp 5K; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7 từ khi tới Hà Nội (thay cho việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà và không chỉ định xét nghiệm).
|
|
Người thuộc diện được cách ly tại nhà không được ra khỏi nhà cho tới khi ngành y tế cho phép. Ảnh minh họa: TTXVN |
Để công tác cách ly tại nhà an toàn và đạt hiệu quả cao, người thuộc diện được
cách ly tại nhà không được ra khỏi nhà cho tới khi ngành y tế cho phép.
Bên cạnh đó, người đang cách ly tại nhà phải đảm bảo khoảng cách trên 2 mét khi tiếp xúc với người nhà, luôn mang khẩu trang và tấm che giọt bắn trong lúc được tiếp tế, sát khuẩn tay thường xuyên. Đồng thời, phải luôn tự theo dõi sức khỏe như: Đo nhiệt độ 2 lần/ngày, đo SpO2 (nếu có) và các triệu chứng mới xuất hiện của bản thân dù tình trạng bệnh hiện đang tạm ổn.
Để tăng sức đề kháng, người bệnh cần phải: Uống đủ nước; ngủ đủ giấc; ăn đủ chất; vận động, tập thể dục điều độ, bảo đảm vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt; ăn sạch uống sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nhà vệ sinh phải luôn sạch sẽ; luôn mang khẩu trang khi đi vệ sinh; rửa tay sạch sau đi vệ sinh. Phòng ở phải thông thoáng, thường xuyên làm vệ sinh sạch sẽ bề mặt các vật dụng và bề mặt sàn.
Khi xuất hiện những triệu chứng mới như: Sốt trên 38,5 độ; đau tức ngực; đau họng; mất mùi/vị,... người dân cần liên lạc với nhân viên y tế để được tư vấn hoặc được khám lại.
Đặc biệt, khi có dấu hiệu chuyển nặng như: Tri giác lơ mơ, li bì; khó thở nặng, thở hụt hơi, nhịp thở tăng trên 30 lần/phút, SpO2<93% (nếu có); tím tái môi, đầu chi, người dân cần gọi ngay tổng đài 115 hoặc đội phản ứng nhanh của quận/huyện để được cấp cứu kịp thời.