Hướng dẫn trẻ xem Vô tuyến truyền hình đúng cách
Xem TiVi (TV) là một hình thức giải trí và thư giãn thường thấy trong các gia đình. Trong khi có đến 1/3 các chương trình được xem trên máy vi tính hay các thiết bị khác thì TV vẫn là phương tiện chủ yếu các gia đình sử dụng để theo dõi chương trình truyền hình.
TV giúp trẻ nhỏ mở mang nhận thức về thế giới. Tốt nhất cha mẹ nên hướng dẫn trẻ cách thu nhận được nhiều thông tin và giải trí hiệu quả khi xem TV cũng như biết cách cân bằng các hoạt động và sở thích khác của trẻ trong cuộc sống.
TV và những màn hình khác
Xem TV là cách giải trí đơn giản và phù hợp với trẻ nhỏ. Ngày nay, trẻ có thể xem các chương trình trên TV, máy tính hay một số các phương tiện điện tử khác. Trẻ cũng sử dụng máy tính và các thiết bị chơi game, học tập và tương tác xã hội. Việc sử dụng các thiết bị điện tử nêu trên sẽ không giảm bớt thời lượng trẻ và gia đình quây quần xem TV bên nhau.
Dành quá nhiều thời gian bên các thiết bị điện tử sẽ khiến trẻ không có thời gian tham gia vào các hoạt động rèn luyện thể chất, duy trì cơ thể khỏe mạnh và các hoạt động vui chơi tự do giúp trẻ tự phát huy trí tưởng tượng của bản thân và giải trí.
Sau đây là những khuyến nghị giúp hạn chế thời lượng trẻ sử dụng tất cả các thiết bị điện tử trong một ngày. Đó là:
- Không cho trẻ dưới 2 tuổi được sử dụng các thiết bị nêu trên
- Trẻ dưới 5 tuổi chỉ được phép sử dụng không quá một giờ một ngày.
- Trẻ từ 5 đến 18 tuổi thì không quá 2 tiếng với mục đích giải trí.
Xem TV và các thiết bị khác quá nhiều đồng nghĩa với việc sẽ không có thời gian để vui chơi, tương tác xã hội và trở nên năng động hơn. |
TV ảnh hưởng như thế nào đến trẻ nhỏ
Những kỹ năng như suy nghĩ và trò chuyện đều được tích lũy thông qua những trải nghiệm thuở thiếu thời kể cả việc xem TV. Trong khi có những chương trình mang tính giáo dục cao thì có nghiên cứu lại chỉ ra rằng phần lớn các chương trình đều hướng đến tính giải trí. Với những loại chương trình này, trẻ không cần phải tự suy ngẫm và sáng tạo nhiều. Cách tốt nhất giúp trẻ học hỏi là thường xuyên luyện tập trò chuyện, viết lách, tư duy và giải quyết vấn đề. Đọc sách và vui chơi cũng là những cách hay giúp trẻ học hỏi.
Các nghiên cứu đã chỉ ra:
- TV có thể gây ảnh hưởng đến bao nhiêu trẻ em còn phụ thuộc vào mức độ tin tưởng của trẻ vào chương trình trong đời sống thực.
- Nội dung rùng rợn sẽ gây ra tác động rất lớn. Những ảnh hưởng ngắn hạn có thể bao gồm cảm giác vô cùng sợ hãi và khóc nhiều. Ảnh hưởng dài hạn có thể gây tác động lên giấc ngủ, lo lắng, sợ ở một mình, luôn tưởng tượng là bản thân trẻ hay những người xung quanh có thể bị thương hoặc bị giết.
- Sau khi xem những chương trình TV có tiết tấu nhanh trẻ sẽ khó tập trung đểgiải quyết những bài tập hay công việc cần thời gian như đọc sách hay chơi xếp hình. Nếu xem các chương trình đó trước khi đi ngủ sẽ gây ảnh hưởng lên giấc ngủ của trẻ.
Xem quá nhiều chương trình TV sẽ khiến trẻ:
- Thừa cân hay béo phì. Duy trì tình trạng chây ì trong một thời gian dài cũng chỉ là một phần của vấn đề. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra khi ngồi xem TV cũng là lúc trẻ thẩm thấu vô vàn quảng cáo về thực phẩm có hàm lượng calo cao, vì vậy chúng có xu hướng ăn nhiều hơn những món ăn vặt và uống đồ ngọt khi xem TV. Nguy cơ thừa cân sẽ tăng cao nếu để TV trong phòng ngủ.
- Mất tập trung hoặc thiếu khả năng điều tiết cảm xúc. Những cảnh phim thay đổi từ 3 đến 4 giây một lần sẽ kích thích bản tính luôn thay đổi ở trẻ. Trẻ sẽ chóng chán và sẽ ảnh hưởng đến độ tập trung của trẻ ở trường học.
- Cho rằng giải quyết vấn đề bằng bạo lực là hết sức bình thường. Trẻ sẽ trở nên lãnh đạm khi thường xuyên phải theo dõi những cảnh bạo lực.
Giúp trẻ đặt ra một giới hạn trong việc xem TV sẽ dễ hơn là cố gắng thay đổi thói quen của chúng, một khi thói quen đó đã được hình thành. Trẻ sẽ học theo bạn do vậy đây cũng là thời điểm thích hợp để bạn suy ngẫm về những thói quen xem TV của bản thân. |
Ảnh hưởng của TV đến các lứa tuổi khác nhau
Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo (dưới 5 tuổi):
- Không thể phân biệt được sự khác nhau giữa sự tưởng tượng và hiện thực diễn ra trên TV, đặc biệt là khi những cảnh đó rất giống với cuộc sống ngoài đời của trẻ.
- Có xu hướng chỉ chú ý đến những tiểu tiết lý thú nhưng lại cần sự hướng dẫn khi theo dõi cốt truyện. Chúng vẫn chưa thể hiểu hết về nguyên nhân và kết quả.
- Có thể cho rằng các nhân vật trong hoạt hình là có thật.
- Có khả năng sợ hãi trước những hình ảnh rùng rợn như những quái vật hay con vật xấu xa, hung tợn hay khi một nhân vật bình thường bỗng biến thành một vật thể đáng sợ nào đó.
- Có thể hoảng sợ và lúng túng về những câu chuyện liên quan đến cái chết của một người cha/mẹ hay những hình ảnh sống động của một vụ thiên tai. Chúng không có năng lực lý giải về “khả năng” do đó có thể không an tâm kể cả khi bạn trấn an chúng rằng “những cảnh đó sẽ không xảy ra với chúng ta đâu con.”
- Nhanh sợ hãi khi chứng kiến những cảnh bạo lực trong những hoàn cảnh thân thuộc với trẻ như ở nhà, ở trường, trong gia đình hay với bạn bè hoặc với những con vật xung quanh.
Trẻ ở độ tuổi tiểu học ( từ 5 đến 9 tuổi )
- Vẫn không phân biệt được đâu là thật và đâu là hư cấu. Chúng thường ngưỡng mộ và ao ước được trở thành những siêu anh hùng.
- Có thể tiếp nhận thông điệp từ các bộ phim hoạt hình, cho rằng những cảnh bạo lực là có thật và thắng thế ngay cả khi chúng đưa ra nhận định hoạt hình chỉ là hư cấu mà thôi.
- Những trẻ từ 6 đến 10 tuổi lại có thể tin những gia đình trên phim là có thật ngoài đời hoặc con phố là có thật. Trẻ từ 9 đến 10 tuổi lại tỏ tường hơn đôi chút khi nhận định các diễn viên chỉ đang đóng phim thôi.
Độ tuổi trung học (từ 10 đến 12 tuổi)
- Có thể sửng sốt đôi chút nếu biết nội dung được xây dựng dựa trên những tình huống có thật bởi điều đó có nghĩa là biết đâu các em sẽ gặp phải trường hợp tương tự.
- Luôn tò mò về thế giới thanh thiếu niên, giới tính và thời trang. Chúng có thể bị mê muội khi theo dõi những mối quan hệ tình cảm lãng mạn trên phim và các chương trình giải trí.
- Hiểu về cách thức sản xuất chương trình truyền hình, ví dụ như phim hoạt hình được dàn dựng dựa trên nhiều hiệu ứng đặc biệt.
- Có thể lúng túng khi chứng kiến những cảnh bạo lực hoặc nguy cơ bạo lực tiềm ẩn hay những câu chuyện có cảnh trẻ em bị đe dọa hay bị hại.
Tuổi vị thành niên (13 tuổi trở lên)
- Có thể bị tác động khi theo dõi những cảnh bị hại về mặt thể chất, những đe dọa tổn thương sâu sắc giống như thật qua những cảnh cưỡng hiếp hay những mối nguy từ người ngoài hành tinh hoặc một thế lực siêu nhiên.
Nhiều em thích trải nghiệm cảm giác rùng rợn một chút nhưng chỉ khi chúng cảm thấy an toàn. Nhận thức được sự an toàn của bản thân sẽ giúp các em thoải mái tận hưởng cái cảm giác ‘rợn tóc gáy” đó. Tuy nhiên, khi có càng nhiều em xem các chương trình rùng rợn thì càng có nhiều khả năng để các em tin rằng có một nơi rùng rợn như vậy tồn tại ngoài đời thực. Vì thế chúng sẽ thấy lo sợ và bất an.
Quảng cáo
Quảng cáo có tầm ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Hầu hết trẻ em dưới 8 tuổi đều tin lời quảng cáo, đặc biệt là khi các quảng cáo đó có hình ảnh của những người nổi tiếng hay một nhân vật được ưa thích nào đó. Trẻ từ 8 đến 10 tuổi đã có nhận thức về việc quảng cáo không phải lúc nào cũng đúng. Tuy nhiên chúng lại không chắc khi nào quảng cáo không đúng sự thật.
Bạn có thể giúp mình con mình nhìn nhận về cách thức vận hành của quảng cáo bằng việc giải thích cho chúng những hình ảnh mà chúng thấy trên TV và ở những địa điểm khác. Hãy giúp chúng nhận ra những mánh khóe và mưu mẹo thường được áp dụng để câu dẫn khách mua hàng. Thông điệp ẩn sau mỗi quảng cáo đó là muốn có được sự vui vẻ, thoải mái về bản thân hay được người khác thừa nhận thì cần mua sản phẩm của họ.
Bạn có thể hỏi con: “Tại sao con lại nghĩ rằng tất cả mọi người trong quảng cáo đều vui vẻ, hạnh phúc, có thân hình thon gọn và đẹp đẽ? Có thật là ngoài đời cũng giống như thế hay không?” hoặc “Con có tin là cái sản phẩm đó sẽ khiến tất cả mọi người đều giống với những người mẫu trong quảng cáo hay không?”
Bạo lực
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trẻ khi xem quá nhiều cảnh bạo lực trên TV sẽ:
- Có thể giải quyết vấn đề bằng biện pháp mạnh
- Ít nhạy cảm với những hành vi bạo lực ngoài đời thực
- Luôn lo lắng khi phải sống trong một thế giới “đau thương và đáng sợ.”
Những trẻ có khả năng bị ảnh hưởng bởi cảnh bạo lực trên TV là:
- Những em dành ra hơn 3 tiếng một ngày xem TV, đặc biệt là các bé trai.
- Những em ở vào tình cảnh không an toàn hoặc các em chứng kiến cảnh hoặc nghe thấy cảnh bạo lực diễn ra trong chính ngôi nhà mình.
Bạn có thể giải thích cho trẻ hiểu rằng những cảnh bạo lực diễn ra trên TV chỉ là “giả/diễn” mà thôi và sẽ không có bất cứ ảnh hưởng lớn nào lên cuộc sống ngoài đời. Bạn có thể chỉ ra khi có một ai đó bị bắn ngoài đời họ có thể sẽ không tỉnh dậy và sống tiếp được nữa hay như khi một chiếc ô tô bị lật trong một cuộc rượt đuổi trên đường cao tốc có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng thậm chí là dẫn đến tử vong.
Vậy cha mẹ có thể làm gì
Lập ra một kế hoạch theo dõi phương tiện truyền thông cho cả gia đình
Việc ra một kế hoạch theo dõi phương tiện truyền thông được cả nhà chấp thuận. Đây là cơ hội tốt để con cái và cha mẹ có thể làm việc gì đó cùng nhau và nói về những giá trị của gia đình. Bạn có thể đưa ra những quyết định làm cách nào để tạo cân bằng với các hoạt động giải trí vui chơi khác. Việc xem xét lại thường xuyên các kế hoạch cũng rất quan trọng khi con bạn ngày một trưởng thành.
Bạn có thể đồng ý với:
- Lượng thời gian dành để xem TV và sử dụng các phương tiện khác.
- Để tất cả các thiết bị vào một căn phòng luôn mở khi đó bạn có thể kiểm tra xem con mình đang xem gì
- Không được đặt TV ở phòng ngủ của trẻ và bỏ các thiết bị điện tử bên ngoài phòng ngủ sau khi tắt đèn đi ngủ.
- Không xem TV hay bất cứ phương tiện nào trước khi chuẩn bị đi học, trong giờ ăn, khi làm bải tập về nhà và một tiếng trước khi đi ngủ.
- Chỉ bật TV lên khi đã hoàn thành mọi việc, không được lén xem TV.
- Nên chú trọng đến giờ giấc ngủ phù hợp ở trẻ hơn là quan tâm đến thời gian kết thúcmột chương trình TV. Hãy chọn những chương trình kết thúc trước giờ ngủ hay cũng có thể thu lại chương trình đó để xem lại sau.
- Xem video ca nhạc. Có rất nhiều ca sĩ ăn mặc gợi cảm và thể hiện những thành kiến không tốt có thể gây ảnh hưởng đến nhận thức ở trẻ. Trẻ ở độ tuổi từ năm đến sáu thường để ý đến hình thể nếu chúng xem video ca nhạc.
Lập kế hoạch xem TV cho trẻ
Giúp trẻ lập kế hoạch nên xem gì khi chúng còn nhỏ. Phân loại các chương trình truyền hình để từ đó lựa chọn cái nào phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Việc lên kế hoạch cho khoảng thời gian rời mắt khỏi màn hình cũng rất quan trọng bởi khi đó trẻ sẽ có thời giờ để tham gia các hoạt động khác. Hãy cùng con tạo ra một danh sách nhỏ những công việc thú vị mà trẻ thích làm và những việc mà cả nhà có thể làm cùng nhau.
Cùng xem TV
Xem TV cùng trẻ còn là cơ hội để bạn dạy con cách đưa ra lời nhận xét. Giúp trẻ đặt ra câu hỏi về những điều mắt thấy tai nghe và hiểu tiến trình câu chuyện. Nếu không thể xem cùng con, bạn hãy trò chuyện với con trước hoặc sau khi con xem chương trình.
Có thể bạn rất muốn biết về:
- Các nhân vật trong những chương trình mà con theo dõi. Hãy trò chuyện cùng con về những nhân vật con thích và con thích họ ở điểm nào.
- Hãy giải thích ý nghĩa của những cảnh mà con được chứng kiến bằng cách nắm bắt cấu trúc câu chuyện, ví dụ như cách bắt đầu, diễn biến và kết thúc của câu chuyện đó. Các câu chuyện viết ra thường là để tháo gỡ các nút thắt trong truyện. Hãy giúp trẻ nắm bắt cách giải quyết tình huống của nhân vật thêm vào đó trẻ cũng sẽ học được cách tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống.
- Giúp trẻ hiểu rằng những chương trình trên TV có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của trẻ… Bạn có thể để con biểu đạt cảm xúc của chúng, ví dụ nhàm chán, hạnh phúc, đáng sợ, buồn bã, lý thú, tức giận hay lo lắng. Hãy để con diễn đạt bất cứ cảm xúc không thoải mái nào để từ đây trẻ sẽ học được cách kiềm chế cảm xúc và phản ứng trước bất cứ sự việc nào.
- Đặt ra câu hỏi để con biết cách nhận xét, bình phẩm, ví dụ: “Nếu thực sự ngoài đời mấy người đó làm như vậy con nghĩ điều đó có thực sự diễn ra hay không?” hay “Nếu là con, con sẽ thế nào nếu họ làm vậy với mình?”
Đừng để TV định hình khuôn mẫu giá trị của trẻ. Nếu bạn không bày tỏ quan điểm của mình với trẻ, chúng có thể cho rằng bạn luôn đồng tình với những gì đang diễn ra trên màn ảnh. |
Lưu ý khi trẻ xem tin tức trên TV
Những tin tức thời sự trên TV thường phát sóng những vụ bạo động hay những thông tin sốt dẻo gây sốc diễn ra trong ngày. Đó chỉ là một góc nhỏ đang diễn ra trên thế giới. Ví dụ, tin tức thời sự không bao giờ để ý đến việc có hàng ngàn những chiếc máy bay cất cánh và hạ cánh an toàn mà chỉ đưa tin về một vụ tai nạn duy nhất mà thôi.
Xem tin tức đôi lúc làm trẻ khiếp hãi do:
- Chúng không thể hiểu được rằng trong cuộc sống chỉ có một phần vạn khả năng diễn ra các sự cố đó.
- Chúng cũng có thể cho rằng khi những sự kiện giống nhau cứ xảy đến nối tiếp nhau thì nguy cơ đó sẽ tăng lên gấp đôi, ví dụ như khi ta xem tin tức về một thảm kịch nào đó hay một vụ thiên tai cứ diễn ra liên tiếp trong nhiều ngày trên mục tin tức.
Hãy giúp con bằng cách:
- Trò chuyện từ sớm và thường xuyên với con để chúng hiểu rằng những hình ảnh đó có thể còn xuất hiện trong các chương trình khác nữa và giải thích cho con về những gì chúng đang thấy. Trẻ có thể xem mục điểm tin hoặc mục tin khẩn trong khi đang phát chương trình chúng thích.
- Đừng để các em nhỏ xem tin tức. Bạn có thể thu lại và xem tin sau khi trẻ đã đi ngủ.
- Xem với con khi trẻ đã chững chạc hơn và bắt đầu tò mò về thế giới xung quanh. Đây là cơ hội để trò chuyện về những sự kiện diễn ra gần đây và giúp con hiểu được điều gì đang diễn ra. Có thể giúp con đạt được trạng thái ổn định khi theo dõi.
Than phiền
Nếu quan tâm đến nội dung của các chương trình TV hay quảng cáo bạn cũng có thể đưa ra lời phàn nàn. Hãy viết ra những điều bạn quan tâm rồi gửi đến đài truyền hình càng sớm càng tốt.