Hỏi - Đáp về Covid-19: Người nhiễm Covid-19 cần chế độ dinh dưỡng như thế nào?
Cũng như các bệnh nhân mắc các bệnh khác, người mắc Covid-19 cũng cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối để duy trì thể trạng, ngăn ngừa biến chứng, giúp người bệnh nhanh hồi phục.
Dinh dưỡng được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới sự phục hồi của bệnh nhân nói chung và bệnh nhân Covid-19 nói riêng. Nếu bệnh nhân bị suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của hệ miễn dịch, làm giảm khả năng bảo vệ của cơ thể khỏi nhiễm trùng. Bên cạnh đó, suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh, thời gian phục hồi, tỷ lệ biến chứng và tỷ lệ tử vong.
Cùng với liệu pháp điều trị, chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp ngăn ngừa, hỗ trợ và khắc phục tình trạng nhiễm trùng, diễn biến nặng của bệnh, từ đó giúp tiết kiệm chi phí, nguồn lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như cho cá nhân và gia đình người bệnh. Cũng chính lý do đó, việc cung cấp dinh dưỡng cho người nhiễm Covid-19 là thiết yếu.
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị
Covid-19 được Bộ Y tế ban hành mới đây, chế độ dinh dưỡng phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân. Bệnh nhân ở mức độ bệnh khác nhau sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, từ đó chế độ dinh dưỡng cũng phải được bổ sung ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là phải bổ sung đủ năng lượng, các loại vitamin, khoáng chất, chất đạm, chất béo và nước.
Cụ thể, bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ cần mức năng lượng khoảng 27-30 kcal/kg/ngày và 0,8-1,0 gram protid (chất đạm)/kg/ngày. Những người ở mức độ trung bình nhu cầu năng lượng và đạm lần lượt là 20-25 kcal/kg/ngày (trong 3 ngày đầu) và 25-30 kcal/kg/ngày (các ngày sau) và 1,2-1,5 gram/kg/ngày. Những người bệnh ở các mức độ này cần cần được bổ sung Lipid ≤ 30% tổng năng lượng, các loại vitamin, vi lượng liều cơ bản, và 2,0-2,5 lít nước/ngày.
Đối với những người ở mức độ nặng/hồi sức cần < 20 Kcal/kg/ngày trong 3 ngày đầu, 25-30 kcal/kg/ngày trong những ngày tiếp theo và cần phải lưu ý tránh cung cấp thừa năng lượng trong giai đoạn cấp (trong vòng 7 ngày đầu). Trong 3 ngày đầu, bệnh nhân cần được bổ sung < 1.2 gram propid/kg/ngày, những ngày sau cần 1,3-2,0 gram/kg/ngày. Về Lipid, bệnh nhân ở mức độ này cần khoảng 0,7-1,3g/kg/ngày (tối đa 1,5g/kg/ngày) và nên được bổ sung loại Lipid TTM (10%/ 20%) với acid béo hỗn hợp gồm omega 6 (dầu nành), omega 9 (ô liu), hoặc omega 3 (dầu cá) ± MCT. Bênh cạnh đó, bệnh nhân cần được nạp vitamin tổng hợp, vi lượng liều cơ bản (cao hơn cho vitamin C, B, kẽm, sắt, selen trong lọc máu, điều trị thay thế thận liên tục) và bổ sung dịch tùy tình trạng bệnh lý và điều trị hồi sức.
Lưu ý, những người béo phì cần < 25 kcal/kg/ngày hoặc 11- 14kcal/kg/ngày phụ thuộc vào cân nặng của bệnh nhân. Những người suy dinh dưỡng nặng cần khoảng 35-40 kcal/kg/ngày (trong giai đoạn hồi phục). Trong giai đoạn cấp, Bộ Y tế lưu ý cần phải tính năng lượng không từ dinh dưỡng (nếu có) để tránh thừa năng lượng.
Dựa trên nhu cầu dinh dưỡng đó, chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân được khuyến cáo như sau. Bệnh nhân ở mức độ nhẹ và trung bình có thể ăn 3 bữa chính trong ngày bằng những thức ăn thông thường (như cơm, cháo, súp) và có thể bổ sung 1-2 bữa phụ (200- 250ml/ bữa phụ) với sữa/súp dinh dưỡng (dạng lỏng, dùng ngay, chai, hộp) chuẩn (1ml=1kcal) hoặc cao năng lượng (1ml=1,25-1,5kcal), lượng đạm cao (tối thiểu 4g protid/100kcal) để tăng thêm năng lượng, đạm, nâng cao thể trạng, miễn dịch, ngừa hạ đường huyết. Bệnh nhân cũng cần ăn tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại để tăng cường sức đề kháng. Đối với những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng có thể ăn 2 bữa phụ/ngày. Bệnh nhân cần uống đủ nước (khoảng 2-2,5L/ngày) và uống nhiều hơn nếu có sốt cao, thở nhanh, tiêu chảy. Có thể bù dịch bằng Oresol.
Những bệnh nhân nặng và nguy kịch cần được bổ sung dinh dưỡng qua ống thông sớm (trong vòng 48 tiếng) sau khi huyết động ổn định. Bộ Y tế khuyến cáo không nên dùng syringe để bơm thức ăn vì có thể sẽ làm tăng nguy cơ hít sặc, kém dung nạp thức ăn và cần thận trong trong dinh dưỡng qua ống thông cho bệnh nhân hồi sức được kiểm soát huyết động với vận mạch liều cao, ECMO, nằm sấp. Trong những ngày đầu, bệnh nhân cần được bổ sung 50ml × 4-6 bữa/cữ ăn bằng sữa/súp dinh dưỡng chuẩn/cao năng lượng, đạm cao (tối thiểu 4,5g/100kcal) (giàu đạm peptide nếu có suy chức năng tiêu hóa), nhỏ giọt 10g/phút hoặc 10ml/giờ trong 24 tiếng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân nặng và nguy kịch cũng cần được bổ sung dinh dưỡng tĩnh mạch với tổng glucose 2g/kg/ngày và 0,8g acid amin/kg/ngày. Trong những ngày tiếp theo, nếu bệnh nhân dung nạp tốt có thể tăng dần thể tích, tốc độ cho dinh dưỡng qua ống thông và điều chỉnh dinh dưỡng tĩnh mạch phù hợp theo tình trạng bệnh lý và nhu cầu dinh dưỡng.
Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng đặc biệt, chưa xảy ra biến chứng thì không nhất thiết phải có một chế độ ăn riêng. Điều quan trọng nhất đối với mỗi bữa ăn là cung cấp đủ năng lượng, đủ dinh dưỡng, giúp bệnh nhân luôn cảm thấy khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng để chống lại bệnh tật. Với những trường hợp này, bệnh nhân nên bổ sung những thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng như các loại rau củ quả có chứa nhiều vitamin C, thực phẩm chứa nhiều đạm và chứa nhiều kẽm,…
Đối với trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo cần phải bổ sung chế độ ăn cân đối hàng ngày với 4 yếu tố chính: lipid (lipid động vật và lipid thực vật), vitamin và khoáng chất, thành phần các chất sinh năng lượn (protein, lipid, carbohydrate), protein (protein động vật và thực vật). Hàng ngày phải ăn ít nhất là 5 trong 8 nhóm thực phẩm: Tinh bột, sữa và chế phẩm sữa, dầu mỡ, rau củ, thịt cá, trứng, các loại hạt, rau củ màu vàng-xanh thẫm. Trẻ cũng cần được cung cấp đủ nước, đặc biệt nước trái cây tươi, tránh uống nước ngọt công nghiệp.
Đối với trẻ 1-2 tuổi cần duy trì cho trẻ bú sữa mẹ. Trẻ không bú sữa mẹ cần được bổ sung tối thiểu 600ml sữa công thức/ngày để đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng. Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng theo khuyến nghị thì phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao(1kcal/ml) thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.
Thời gian vừa qua, do diễn biến phức tạp của Covid-19, nhiều địa phương đã triển khai điều trị các ca nhiễm Covid-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ tại nhà. Chính vì thế, việc thực hiện, tuân thủ chế độ dinh dưỡng thật sự cần thiết bởi nó giúp hỗ trợ và cải thiện “hàng rào” bảo vệ cơ thể như tế bào miễn dịch, các kháng thể, da, niêm mạc hô hấp, niêm mạc dạ dày làm tăng sức đề kháng, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi.