Hàng trăm Trạm y tế lưu động tại Hà Nội đã sẵn sàng
Hà Nội dự kiến thành lập 508 trạm y tế lưu động, 20 trạm y tế xã lưu động đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Những ngày qua, Sở Y tế Hà Nội đã thực nghiệm một số trạm y tế lưu động trước khi vận hành chính thức.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 5.777 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.202 ca, với nhiều điểm dịch phức tạp như tại Thanh Xuân, điểm dịch phường Phú Đô, Bạch Trữ…
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều quận huyện, trên địa bàn TP đã lên kế hoạch thành lập các trạm y tế lưu động để hỗ trợ theo dõi sức khỏe người cách ly y tế tại nhà trong trường hợp số ca mắc tăng cao.
Các
trạm y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, theo dõi, hỗ trợ các trường hợp F1, F2 đang cách ly tại nhà và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn (bên cạnh trạm y tế đang có sẵn).
Ngoài ra, trạm y tế lưu động còn hỗ trợ công tác xét nghiệm, tiêm chủng và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Đồng thời thực hiện khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản kịp thời nhất, phù hợp với bối cảnh dịch bênh hiện nay.
Trạm y tế lưu động được trang bị đầy đủ bình oxy phục vụ tại chỗ, 2 bình oxy nhỏ để mang đến nhà người dân, máy đo SpO2, bóng Ambu, test xét nghiệm nhanh COVID-19, trang phục bảo hộ phòng, chống lây nhiễm SARS- COV-2, khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn…; máy tính kết nối mạng; 2 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin; đảm bảo cơ số thuốc cấp cứu, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác...
Mỗi trạm có 5 nhân viên y tế, trong đó một người nắm rõ địa bàn, những người khác huy động từ bệnh viện, cơ sở y tế ngoài công lập.
Trước đó, vào tháng 9, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại quận Thanh Xuân, 11 trạm y tế lưu động tại quận này đã đi vào hoạt động và đã hỗ trợ hiệu quả việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho người dân.