Lễ nghi trên bàn ăn có liên quan mật thiết với việc giáo dục của gia đình mà một người được dạy dỗ từ khi còn bé.
Lễ nghi trên bàn ăn có liên quan mật thiết với việc giáo dục của gia đình mà một người được dạy dỗ từ khi còn bé.
Một công ty tuyển nhân viên, có một nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ một trường đại học danh giá, kết quả thi viết rất xuất sắc, được mời đến dự buổi tiệc phỏng vấn của các quản lý cấp cao. Lúc đến, nghiên cứu sinh này ăn to nói lớn, sau khi anh ta ăn thì trên bàn toàn là nước tương và thức ăn vương vãi.
Cảnh tượng này khiến người ta rất thất vọng. Cuối cùng, bộ phận tuyển dụng nói với anh này rằng tuy năng lực của anh ta rất ưu tú, nhưng không thể tuyển dụng được…
Những người không có lễ nghi trên bàn ăn không phản ánh thói quen cá nhân mà cho thấy sự giáo dục của cha mẹ
Chuyên gia lễ nghi hàng đầu thế giới William Hansen từng dạy cho hoàng tử William lễ nghi hoàng gia Anh chính thống cho biết: “Người giỏi quan sát sẽ biết được hoàn cảnh sinh hoạt của cha mẹ bạn, hoàn cảnh giáo dục của bạn ra sao sau một bữa ăn”.
Lễ nghi trên bàn ăn có liên quan mật thiết với giáo dục của gia đình mà một người nhận được từ khi còn bé. Người thiếu lễ nghi trên bàn ăn, thứ phản ánh đầu tiên không phải là thói quen xấu của cá nhân người đó mà phản ánh sự giáo dục của phụ huynh và toàn bộ những biểu hiện của người đó trong gia đình.
Trong một bữa tiệc, có gia đình nhà nọ ngồi ăn. Đứa bé tầm 5-6 tuổi, vừa ăn vừa chạy loạn lên. Đến khi có món nào ngon được mang lên là người mẹ lớn tiếng gọi thằng bé lại. Một vị khách vừa cầm đũa gắp thức ăn thì đột nhiên có một cánh tay chồm qua: “Cái này là của cháu”, người này bất ngờ nên làm rơi đũa, nước bắn ra khắp xung quanh bàn. Thế mà mẹ của thằng bé lại vẫn vừa ăn vừa nói chuyện với người khác như thể mọi chuyện chẳng có liên quan gì đến cô ấy.
Khi bữa tiệc chưa kết thúc, người mẹ này không biết lấy từ đâu ra một cái túi, đổ mấy món trên bàn vào trong túi, vừa đổ vừa nói: “Mọi người ăn no rồi phải không? Món này tôi lấy nhé”, khiến người chồng ngại ngùng xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu.
Một nhà giáo dục nổi tiếng từng nói: “Cha mẹ phản ánh bản thân mình lên con cái”, cha mẹ ra sao, con cái sẽ như thế đó.
Người ta có thể thấy được một đứa trẻ bị khiếm khuyết về giáo dục khi nhìn “tướng ăn”
Thông thường thì người lớn quan tâm nhất là làm thế nào để con ăn uống tốt, nhưng lại thiếu chú trọng đến việc giáo dục trẻ cách ăn.
Trên bàn ăn không ít những đứa bé có “tướng ăn” thiếu lễ phép: có trẻ bò lên bàn xáo tung món ăn trong đĩa lên, có trẻ cứ thế gắp món mình thích vào trong chén, có trẻ lại húp sùm sụp to tiếng khi uống canh. Còn cha mẹ thì thấy con mình như vậy thì cũng chỉ xem như chuyện bình thường.
Khi quan sát cách ăn uống của những đứa trẻ này, mọi người đều lập tức nhận ra ngay đứa trẻ bị khiếm khuyết về giáo dục, không được cha mẹ dạy dỗ đúng mực về các phép tắc trên bàn ăn.
Có thể thấy được nhân phẩm của một người từ cách ăn và thái độ trên bàn ăn
Hễ nhắc đến việc dạy dỗ con trẻ, phản ứng đầu tiên của rất nhiều bậc phụ huynh là dạy cho con cách sống tự lập. Tất nhiên đây cũng là điều đúng, nhưng không phải là căn bản, điểm khởi đầu của việc giáo dục tính cách độc lập cho con chính là dạy con trên bàn ăn. Nếu một người đến ngay cả việc ăn uống là việc cơ bản nhất trong cuộc sống mà không thể tự chủ được thì rất khó để nói đến việc sống tự lập và phát triển trong tương lai.
Người ta có thể thấy được tố chất của cha mẹ và sự giáo dục con trẻ thông qua việc ăn uống của một người, đồng thời có thể thấy được nhân phẩm của một người từ cách ăn và thái độ trên bàn ăn của người đó.
Con trẻ muốn học cao thì đầu tiên phải có phẩm chất tốt thì mới có được thành tích tốt. Một người dù có học lực cao đến đâu, học nhiều thế nào mà nhân phẩm không tốt, thì chẳng phải là giống như vị nghiên cứu sinh ở trên?
Chúng ta hàng ngày đều có tiếp xúc, quan hệ với những người xung quanh mình, mà bàn ăn là nơi giao lưu quan trọng để phát triển mối quan hệ giữa người với người. Ở giai tầng xã hội càng cao thì càng nhiều phép tắc. Và việc xây dựng thói quen ăn uống chuẩn mực là tiền đề quan trọng đảm bảo sự thành công trong sự nghiệp sau này của con trẻ.
Có những bậc phụ huynh chê việc giáo dục trên bàn ăn là hà khắc: “Trời đánh tránh miếng ăn, cứ để chúng ăn tự do thoải mái đi, gò ép làm gì”? “Chúng vẫn còn là trẻ con, cần gì mà phải sớm tính toán thế?” v.v…
Đúng vậy, chính vì còn là trẻ con, giống như một trang giấy trắng nên trẻ mới càng cần được quan tâm, bảo vệ; chính vì là trẻ con nên sự ngây thơ của trẻ vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, vì vậy trẻ mới càng cần phải được giáo dục tốt để trở thành người có nhân phẩm, có ích cho xã hội.
Và để thực hiện những điều này, điều đầu tiên mà các bậc cha mẹ phải làm được là dạy dỗ trẻ học tập những thói quen, lễ nghi phép tắc trên bàn ăn, xây dựng cho trẻ nền tảng giáo dục và nhân cách tốt. Điều này sẽ quyết định sự thành công của con trẻ mai sau.