Dạy trẻ tự kỷ tại nhà: Cần sự quyết tâm và đồng lòng của gia đình
Để trị liệu giúp trẻ tự kỷ phát triển tốt nhất, cần có sự vào cuộc tích cực, kiên trì của các bậc phụ huynh bởi đây là hành trình dài.
-
Dạy trẻ tự kỷ cách xếp hình rèn kỹ năng. Ảnh: Võ Tuyết/TTXVN
|
Hội chứng tự kỷ ở trẻ là khuyết tật liên quan đến não bộ, được biết đến nhiều ở Việt Nam trong những năm gần đây. Hiện vẫn chưa có phương pháp nào có thể điều trị hoàn toàn hội chứng tự kỷ của trẻ, nhưng nếu được phát hiện sớm, hỗ trợ đúng cách, trẻ tự kỷ hoàn toàn có thể đi học, đi làm, cống hiến cho xã hội.
Giúp trẻ ngay tại nhà
Tự kỷ là một chứng bệnh liên quan đến rối loạn phát triển tâm lý khiến người mắc bệnh có những biểu hiện bất thường trong quan hệ giao tiếp xã hội, sống thu mình và ngại tiếp xúc.Triệu chứng của bệnh tự kỷ thường bắt đầu trong 3 năm đầu đời của trẻ và các bé trai thường mắc bệnh này nhiều hơn các bé gái. Bệnh ngày càng có triệu chứng gia tăng trong những năm gần đây do tác động của nhịp sống kinh tế thị trường...
Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ước tính Việt Nam hiện có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ, trong đó có khá nhiều trẻ em.
Hiện vẫn chưa có phương pháp duy nhất nào có thể điều trị hoàn toàn hội chứng tự kỷ của trẻ nhưng nếu được phát hiện sớm, hỗ trợ đúng cách, trẻ tự kỷ hoàn toàn có thể đi học, đi làm, cống hiến cho xã hội. Chính vì vậy, các hoạt động chủ yếu vẫn là can thiệp sớm cho trẻ với nhiệm vụ của giáo viên đặc biệt, chuyên viên tâm lý, bác sỹ nhi khoa và nhất là phụ huynh bởi yếu tố gia đình vẫn là quyết định tới kết quả can thiệp. Ngoài việc đưa trẻ tới các trung tâm chăm sóc, phục hội chức năng chuyên biệt thì cha mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ học các kỹ năng xã hội và ngôn ngữ bằng các kỹ thuật đặc biệt ngay tại nhà.
Chị Mai Anh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội, thành viên nhóm phát triển chương trình A365 – “Chăm sóc thông minh cho trẻ tự kỷ” cho rằng: Cần kết hợp trị liệu cho trẻ cả ở trung tâm và ở nhà. Trị liệu tại trung tâm sẽ có đầy đủ trang thiết bị vật lý trị liệu, thiết bị, giáo cụ trực quan, sinh động hỗ trợ can thiệp; giúp trẻ giao lưu với nhiều người để cải thiện khả năng giao tiếp. Trị liệu ở nhà giúp tăng thời gian trẻ trị liệ cho trẻ ở môi trường thực tế cuộc sống…
Hiện có nhiều phương pháp nhằm hỗ trợ phát triển các kỹ năng cho trẻ tự kỷ để các gia đình áp dụng tại nhà như: Phương pháp trò chơi đóng vai; lao động trị liệu; động vật trị liệu; dạy trẻ thông qua các môn nghệ thuật...Khi can thiệp cho trẻ, chuyên gia trị liệu sẽ tiến hành xây dựng chiến lược trị liệu dựa trên khả năng nhận thức và hành vi của trẻ. Mỗi trẻ sẽ có chiến lược trị liệu khác nhau, nên các chuyên gia sẽ áp dụng phương pháp tổng hợp, đảm bảo phù hợp với từng trẻ. Việc xây dựng chiến lược trị liệu cho trẻ tự kỷ là điều quan trọng nhất.
Chị Khánh Vân, tác giả cuốn sách “Tôi dạy con tự kỷ như thế” đã có kinh nghiệm hơn 7 năm trực tiếp can thiệp cho con gái bị tự kỷ. Chị cũng là chuyên gia trong lĩnh vực can thiệp cho trẻ tự kỷ được nhiều cha mẹ tin cậy. Kinh nghiệm của chị Khánh Vân cho thấy: Sự vào cuộc của cha mẹ, người thân của trẻ là thực sự cần thiết, giúp trẻ có nhiều cơ hội để giao tiếp, tương tác với mọi người. Nên tập trung dạy trẻ một vài mục tiêu cùng lúc, ví dụ như rèn trẻ ăn uống, tương tác với người trong gia đình. Mục tiêu đưa ra phải cụ thể như dạy trẻ cách cầm thìa bằng tay phải, xúc ăn không rơi vãi, tập nhai thức ăn cứng như rau, củ luộc, quả, thịt…
Mặt khác, trong quá trình dạy trẻ tại nhà, hàng ngày gia đình cần ghi chép cụ thể để đánh giá sự tiến bộ của trẻ trong từng mục tiêu, có sự giảm bớt hoặc nâng cao các kỹ năng phù hợp cho trẻ; đặc biệt, cần khen thưởng khi trẻ có sự tiến bộ. Đây là cách khuyến khích trẻ thực hiện tốt hơn các yêu cầu…
Cha mẹ cần kiên trì, đồng lòng giúp trẻ
Quá trình can thiệp cho trẻ tự kỷ ở nhà không hề đơn giản. Đó là một hành trình đầy thử thách đòi hỏi cha mẹ của trẻ phải hết sức kiên trì bởi trẻ tự kỷ thường khó tiếp thu hơn so với trẻ bình thường.
Phát hiện sớm là điều có ý nghĩa quan trọng cho việc trị liệu trẻ mắc chứng tự kỷ. Khi phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ được trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội và nhận thức. Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ thường tập trung vào: Luyện tập, giáo dục cho trẻ các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức, tư duy, giao tiếp, xã hội và kỹ năng tự phục vụ bản thân. Trong quá trình trị liệu cho trẻ tự kỷ cần áp dụng đa dạng các phương pháp khác nhau như: Ứng dụng phân tích hành vi, liệu pháp ngôn ngữ, trị liệu về vận động, trị liệu kỹ năng xã hội, vật lý trị liệu, liệu pháp trò chơi, trị liệu hành vi, các liệu pháp phát triển, các liệu pháp dựa và trực quan, những liệu pháp y sinh học...
Tuy nhiên thực tế cho thấy, khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu sớm của tự kỷ thì đa số các bậc phụ huynh bị sốc, khó chấp nhận sự thật là con mình tự tự kỷ, chỉ chấp nhận khi các triệu chứng đã quá rõ ràng. Điều này vô tình làm mất đi cơ hội được điều trị sớm, tăng khả năng phục hồi nhanh chóng cho trẻ.
Bên cạnh đó, khi can thiệp cho trẻ tại nhà, gia đình cần chấp nhận phương pháp tiếp cận khác so với trẻ bình thường, kiên trì, thống nhất thực hiện các bài tập cho con. Cha mẹ và người thân trong gia đình là những người hiểu trẻ nhất, có nhiều thời gian dành cho trẻ. Do đó, những điều mà trẻ tự kỷ học ở gia đình rất quan trọng. Bằng cách tận dụng tốt nhất các cơ hội để dạy trẻ, cha mẹ và người thân có thể tăng số giờ trị liệu cho trẻ, giúp trẻ cải thiện kỹ năng xã hội, hiểu và sử dụng ngôn ngữ tốt hơn, giảm bớt các hành vi khó chịu. Nhiều chuyên gia cho rằng, khi trẻ tự kỷ học các kỹ năng thực tế tại nhà, trẻ có thể biết áp dụng các kỹ năng đó vào các tình huống mới và duy trì lâu dài.