Chuyên gia trả lời về việc có nên tiêm vắc xin mũi 3 và tiêm trộn không?
Về vấn đề tiêm vắc xin mũi 3 và có nên tiêm trộn hay không, Đại tá, TS, bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 354 đã trả lời độc giả của Báo Quân đội nhân dân Điện tử.
Được biết, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang đề xuất UBND thành phố tiêm vắc xin mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người có nguy cơ cao vào hai tháng cuối năm 2021. Sang năm 2022, dự kiến tiêm mũi 3 và mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.
Từ ngày 8-3, TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiêm
vắc xin cho lực lượng tuyến đầu chống dịch là những nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
|
|
Tiêm vắc xin. Ảnh: TTXVN. |
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có khoảng 75.400 người là lực lượng chống dịch và nhân viên y tế của thành phố và lực lượng được huy động trên cả nước được tiêm đủ vắc xin (riêng TP Hồ Chí Minh có 55.000 nhân viên y tế tham gia chống dịch đợt 4).
Theo Đại tá, TS, bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh: Hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam đang có kế hoạch tiêm vắc xin mũi 3 và nhắc lại cho một số đối tượng là các bệnh nhân có suy giảm miễn dịch, và các bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, theo khuyến cáo là nên tiêm trộn vắc xin và tiêm mũi 3 sau mũi thứ 2 ít nhất 6 tháng.
Nếu tiêm mũi 1, 2 là vắc xin Pfizer và AstraZeneca thì theo khuyến cáo, hai loại vắc xin này công nghệ tương đương nhau thì nên tiêm mũi 3 là vắc xin Pfizer.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, những lực lượng tuyến đầu có tiếp xúc thường xuyên với các ca bệnh nên tiêm mũi 3 để nhắc lại. Những người tiêm đợt đầu thì đến tháng 11 là đủ 6 tháng và tiếp tục xem xét để tiêm mũi 3.
“Đây là biện pháp tăng cường đáp ứng miễn dịch của tiêm vắc xin. Theo nghiên cứu, tồn dư của kháng thể sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 chưa biết có kéo dài hay không và trong bao lâu. Vì vậy, tiêm nhắc lại để hiệu giá của vắc xin tăng lên nhiều, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng”, bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh khẳng định.