LỜI KHUYÊN GỬI TỚI PHỤ HUYNH VỀ VIỆC CHUẨN BỊ TÂM THẾ CHO TRẺ TRƯỚC KHI ĐẾN TRƯỜNG MẦM NON
Kính thưa các bậc phụ huynh!
Phần lớn trẻ ở lứa tuổi mầm non đều có sự miễn cưỡng khi phải xa người thân để đến một môi trường mới lạ - Môi trường không người thân thuộc trong gia đình.Lần đầu tiên bé đi học không phải là chuyện đơn giản đi từ nhà đến trường mà bé phải rời xa điểm tựa tinh thần vững chắc để làm quen với một thế giới mới hoàn toàn xa lạ. Vậy “các bậc phụ huynh hãy chuẩn bị tâm lý cho trẻ thật tốt trước khi đưa con đến trường”
Trước hết, chúng tôi khuyên phụ huynh hãy chuẩn bị tâm lý cho chính bản thân mình. Hầu hết phụ huynh tỏ ra lo lắng, không tin tưởng vào nhà trường như: không biết cô giáo có thương yêu con mình không, có cho bé ăn uống đầy đủ không, bé khóc cô có dỗ không…. Có phụ huynh còn òa khóc khi để con lại trường, có chị vừa nhìn con vừa lưu luyến lau nước mắt.
Các nhà tâm lý đã kết luận:Lần đầu tiên đi học, đa số sự sợ hãi của trẻ đều bắt nguồn từ tâm lý bất ổn của cha mẹ mình.
* Thế nhưng chuyện lo lắng là điều không thể tránh khỏi đối với các bậc làm cha làm mẹ!
Đương nhiên, khi gửi gắm đứa con mình dứt ruột sinh ra vào một môi trường mới không bậc cha mẹ nào có thể hoàn toàn yên tâm – Mà sự không yên tâm ấy khó có thể giấu giếm được. Trẻ em rất nhạy cảm, bé sẽ “đọc” được ngay tâm trạng của bố mẹ mình. Chỉ có một cách duy nhất: phụ huynh hãy đến trường mầm non tìm hiểu cặn kẽ về mọi hoạt động của Trường: Các con ăn uống như thế nào, học và chơi, ngủ nghỉ ra sao….Chúng tôi luôn muốn tạo điều kiện tối đa cho phụ huynh tham quan, tìm hiểu chế độ học tập, sinh hoạt của các con. Thông qua việc tìm hiểu này, phụ huynh sẽ tập cho con mình nếp ăn uống, sinh hoạt theo thời gian biểu gần giống như ở trường; sau đó ở nhà có thể tập dần cho con theo chế độ sinh hoạt đó. Cha mẹ cũng nên tìm hiểu về thức ăn và cách chế biến thức ăn ở trường để trẻ làm quen trước, tránh cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa.Ví dụ: 10h30 các bé ở trường mầm non ăn trưa, 11h30 các bé đi ngủ thì ở nhà ta cũng cho bé ăn vào giờ đó để khi đi học bé không phải thay đổi lịch sinh hoạt.
Phụ huynh cũng nên dành thời gian cho trẻ đến chơi trong khuôn viên trường trước khi đi học chính thức. Ở đó trẻ có thể vui chơi với các bạn mà vẫn nhìn thấy mẹ. Có thể bắt đầu khoảng 30 phút trong ngày đầu tiên, sau đó tăng dần thời lượng cho đến ngày đi học. Điều này sẽ giúp trẻ quen thuộc dần với môi trường mới, trẻ sẽ không cảm thấy xa lạ, bỡ ngỡ với trường lớp, cô giáo và các bạn đồng trang lứa, sẽ giảm đi sự lo lắng khi không có người thân bên cạnh.
Những ngày đầu tiên cha mẹ nên trực tiếp đưa con đi học (không nên để ông bà hay cô, dì, chú, bác, người giúp việc đưa đi) và thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với cô giáo, cho cô giáo biết những biểu hiện bất thường ở trẻ (ví dụ: khi ngủ trẻ có bị giật mình không, có hay vòi vĩnh không, có tè dầm không…). Qua đó, phụ huynh và giáo viên sẽ cùng nhau tìm ra biện pháp tốt nhất để giúp trẻ thích nghi với môi trường mới.
Thêm một điều nữa cần lưu ý: nếu phụ huynh (đặc biệt là người mẹ) không yên tâm, tỏ ra lo lắng khi giao con cho cô giáo cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ. Trẻ dễ dàng cảm nhận được điều này (sự nhận thức cảm tính thông qua thái độ, nét mặt, nụ cười của phụ huynh). Các nhà tâm lý phát hiện rằng trẻ không an tâm vì thấy sự lo lắng của bố mẹ. Vấn đề này thường thể hiện ở chỗ trẻ hay khóc nhè vào mỗi buổi sáng và đòi ở nhà, không chịu đến trường. Theo tôi, phụ huynh nên làm “công tác tư tưởng” với mình trước tiên để có sự tin tưởng vào nhà trường và giáo viên, rằng con mình đi học sẽ mau chóng hòa nhập môi trường mới, vui vẻ, hoạt bát và phát triển tốt cả về trí lực lẫn thể lực. Vì vậy, hãy đưa trẻ đến trường với nụ cười và sự tin tưởng.
*Chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi nhập trường
Trước khi cho bé đi lớp vài tháng, phụ huynh cần nói chuyện nhiều lần với bé, “vẽ” ra một bức tranh thú vị về ngôi trường mà bé sẽ đến học. Một số phụ huynh rất sai lầm khi thường xuyên đem nhà trường và cô giáo ra dọa: “Con không chiu ăn, mai cho đi học, bị bỏ đói cho biết”, “Con hư quá, kêu cô giáo đến đánh đòn”… Từ đó bé có ác cảm với chuyện đi học. Trong quá trình nói chuyện hãy giải thích cho bé hiểu khi con đi học thì cha mẹ, ông bà làm gì; rằng con chỉ ở trường ban ngày thôi, buổi chiều bố mẹ lại đón về nhà. Ngoài ra, người chăm sóc bé (có thể là ông bà, bố mẹ…) nên cho trẻ đến thăm và ở lại chơi trong khuôn viên trường để bé làm quen với không khí của trường mầm non.
Khi chuẩn bị quần áo, vật dụng cho bé đi học, phụ huynh hãy thực hiện trước mặt bé, thông báo cho bé biết: “Mẹ chuẩn bị cho con đi học đấy”. Những lúc đưa bé đến trường, phụ huynh hãy trò chuyện vui vẻ, thân mật với cô giáo trước mặt bé. Điều này tưởng đơn giản nhưng lại rất quan trọng: về mặt tâm lý khi trẻ thấy ông bà hoặc bố mẹ mình (những người yêu thương, gần gũi với bé) tỏ ra thân thiết với giáo viên thì trẻ sẽ có cảm giác cô giáo cũng yêu thương, gần gũi với mình.
Một lời khuyên nữa dành cho phụ huynh có con đi học lần đầu, tùy theo đặc điểm lứa tuổi và cá tính của trẻ, những ngày đầu tiên trẻ mới đến trường cha mẹ và gia đình hãy sắp xếp để gửi bé tới trường trong nửa ngày hoặc đón trẻ sớm hơn. Trẻ sẽ thích nghi dần dần mà không có cảm giác sợ.
Đồ dùng mang theo khi bé đến lớp:
- 2 bộ quần áo sạch (Lớp nhà trẻ cần nhiều hơn)
- Bỉm (Tuổi nhà trẻ)
- Tuyệt đối cha mẹ không cho con mang theo đồ chơi sắc nhọn, hột, hạt, thạch các loại quả nhỏ và trang sức tới trường.
- Gia đình ghi rõ họ tên con vào ba lô, túi sách bé mang tới lớp.
Trên đây là một số kinh nghiệm trong việc chuẩn bị tâm thế cho bé trước khi tới
trường mầm non. Mong rằng các bậc phụ huynh hãy tham khảo và thực hiện để chuẩn bị được tâm thế tốt nhất cho con khi đi học ở trường Mầm non.