Nếu quý vị đang chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà hoặc ở nơi không phải là cơ sở y tế, hãy làm theo lời khuyên sau đây để bảo vệ bản thân và những người khác. Tìm hiểu những việc cần làm khi có người có các triệu chứng COVID-19 hoặc khi có người đã được chẩn đoán nhiễm vi-rút. Quý vị cũng nên làm theo lời khuyên này khi chăm sóc cho người đã có xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng.
*Lưu ý: Người cao tuổi và những người ở mọi độ tuổi mắc bệnh nền nghiêm trọng thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng hơn từ COVID-19. Những người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng nên gọi cho bác sĩ ngay khi các triệu chứng bắt đầu.
Cung cấp hỗ trợ
Giúp đáp ứng các nhu cầu cơ bản
Đảm bảo rằng người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi
- Giúp người bệnh làm theo hướng dẫn của bác sĩ về chăm sóc và thuốc men.
- Đối với hầu hết mọi người, các triệu chứng thường kéo dài một vài ngày và người bệnh sẽ cảm thấy đỡ hơn sau một tuần.
- Hãy xem nếu thuốc hạ sốt không cần kê toa có giúp người bệnh giảm sốt không.
- Đảm bảo rằng người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi.
- Giúp họ mua thực phẩm, mua thuốc theo toa và nhận các mặt hàng khác mà họ có thể cần. Xem xét việc có nên giao các mặt hàng đó thông qua dịch vụ giao hàng không, nếu có thể.
- Chăm sóc thú cưng cho họ và hạn chế tiếp xúc giữa người bệnh và thú cưng của họ khi có thể.
Theo dõi các dấu hiệu cảnh báo
- Gọi cho bác sĩ của họ nếu người bệnh tiếp tục bị bệnh nặng hơn. Đối với các trường hợp cấp cứu y tế, hãy gọi 911 và nói cho người điều phối biết rằng người đó có thể hoặc đã mắc bệnh COVID-19.
Thời điểm nên tìm kiếm chăm sóc y tế khẩn cấp
Tìm các dấu hiệu cảnh báo cấp cứu* của COVID-19. Nếu có người đang biểu hiện bất cứ dấu hiệu nào trong số này, hãy tìm đến dịch vụ cấp cứu y tế ngay lập tức:
- Khó thở
- Đau hoặc tức ngực thường xuyên
- Trạng thái lẫn lộn mới
- Không thể thức dậy hay duy trì sự tỉnh táo
- Da, móng tay hoặc môi nhợt nhạt, xám hoặc có màu xanh, tùy vào tông da.
*Danh sách này không bao gồm tất cả các triệu chứng có thể xuất hiện. Hãy gọi ngay cho nhà cung cấp dịch vụ y tế của quý vị về bất kỳ triệu chứng nào nghiêm trọng hoặc đáng lo đối với quý vị.
Gọi 911 hoặc gọi trước cho cơ sở cấp cứu địa phương: Thông báo cho nhân viên trực tổng đài rằng quý vị đang tìm kiếm sự chăm sóc cho một người nhiễm hoặc có thể nhiễm COVID-19.
Bảo vệ bản thân
Trong phần này
Hạn chế sự tiếp xúc
Dành phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng cho người bệnh
COVID-19 lây lan từ người sang người có tiếp xúc gần với nhau (trong khoảng 6 feet hoặc 2 mét) thông qua các giọt bắn từ đường hô hấp, được tạo ra khi mọi người nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Giữ khoảng cách với người khác giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Người chăm sóc, khi có thể, không nên là người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng vì COVID-19.
Người bị bệnh nên được cách ly
Người bị bệnh nên ở tách riêng với những người khác trong nhà. Tìm hiểu thời điểm và cách thức cách ly.
- Nếu có thể, hãy để người bệnh sử dụng phòng ngủ và vệ sinh riêng. Nếu có thể, hãy để người bệnh ở trong "phòng bệnh" hoặc khu vực của chính họ hoặc cách xa người khác. Hãy duy trì khoảng cách ít nhất 6 feet hoặc 2 mét với người bệnh.
- Phòng dùng chung: Nếu quý vị phải ở chung phòng, hãy bảo đảm rằng phòng có thông gió tốt.
- Mở cửa sổ để tăng cường lưu thông không khí.
- Cải thiện thông gió sẽ giúp loại bỏ các giọt bắn từ đường hô hấp khỏi không khí.
- Không để người khác đến thăm. Không để người không cần thiết đến thăm, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng.
Người chăm sóc nên cách ly
Người chăm sóc và bất kỳ người nào có tiếp xúc gần với người mắc bệnh COVID-19 nên ở nhà, ngoại trừ trong một số trường hợp hạn chế. Tìm hiểu thời điểm và cách thức cách ly.
Thời điểm an toàn để người bị bệnh có thể ở gần người khác
Quyết định xem khi nào là an toàn để ở bên cạnh người khác sẽ khác nhau trong các hoàn cảnh khác nhau. Tìm hiểu khi nào một người mắc bệnh có thể ngừng cách ly ở nhà một cách an toàn.
Ăn trong phòng hoặc khu vực riêng biệt
- Cách ly: Người bệnh nên ăn (hoặc được cho ăn) trong phòng của họ, nếu có thể.
- Rửa chén đĩa và dụng cụ ăn bằng găng tay và nước nóng: Đeo găng tay khi cầm chén đĩa, cốc/ly hoặc dụng cụ ăn do người bệnh sử dụng. Rửa những vật này bằng xà phòng và nước nóng hoặc trong máy rửa chén.
- Làm sạch tay sau khi tháo găng tay hoặc xử lý các vật dụng đã sử dụng.
Tránh dùng chung đồ cá nhân
- Không dùng chung: Không dùng chung chén đĩa, cốc/ly, bộ đồ ăn, khăn tắm, khăn trải giường hoặc đồ điện tử (như điện thoại di động) với người bị bệnh.
Khi nào cần đeo khẩu trang hoặc găng tay
- Nếu quý vị chưa được tiêm chủng đầy đủ và ở độ tuổi từ 2 tuổi trở lên, quý vị nên đeo khẩu trang ở môi trường công cộng trong nhà.
- Nhìn chung, quý vị không cần đeo khẩu trang ở ngoài trời.
- Ở những khu vực có số ca COVID-19 lớn, hãy cân nhắc đeo khẩu trang ở nơi đông đúc ngoài trời và khi tham gia các hoạt động tiếp xúc gần với những người chưa được tiêm chủng đầy đủ.
- Nếu quý vị đã được tiêm chủng đầy đủ và có bệnh trạng phải dùng thuốc để làm suy giảm hệ miễn dịch, quý vị nên tiếp tục thực hiện các bước để bảo vệ bản thân, như đeo khẩu trang. Hãy trò chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của quý vị về các bước mà quý vị cần thực hiện để kiểm soát sức khỏe và rủi ro.
- Nếu quý vị đã được tiêm chủng đầy đủ, tham khảo Khi quý vị đã được tiêm chủng đầy đủ.
Người bị bệnh
- Người bị bệnh nên đeo khẩu trang khi họ ở gần người khác ở nhà và ở bên ngoài (kể cả trước khi họ vào phòng mạch của bác sĩ).
- Việc đeo khẩu trang giúp ngăn ngừa người bệnh lây lan vi-rút sang người khác. Việc này giữ các giọt bắn từ đường hô hấp lại và tránh bay đến người khác.
- Không nên đeo khẩu trang cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, bất cứ ai khó thở hoặc không thể tự tháo khẩu trang mà không được trợ giúp.
media iconVideo có độ phân giải thấp
Người chăm sóc
- Đeo khẩu trang và đề nghị người bị bệnh đeo khẩu trang trước khi vào phòng.
- Đeo găng tay khi quý vị chạm hoặc tiếp xúc với máu, phân, hoặc dịch cơ thể, chẳng hạn như nước bọt, dịch nhầy, chất nôn ói và nước tiểu của người bệnh. Vứt găng tay vào thùng rác có bao lót và rửa tay ngay lập tức.
- Thực hiện các hành động ngăn ngừa hàng ngày để tránh không bị bệnh: rửa tay thường xuyên; tránh chạm vào mắt, mũi và miệng; và thường xuyên vệ sinh và khử trùng các bề mặt.
Lưu ý: Trong đại dịch COVID-19, khẩu trang y tế nên dành cho nhân viên chăm sóc sức khỏe và những người ứng phó đầu tiên.
Rửa tay thường xuyên
- Rửa tay: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nói với mọi người trong nhà làm việc tương tự, đặc biệt là sau khi ở gần người bệnh.
- Dung dịch sát trùng tay: Nếu không có sẵn xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch sát trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn. Xoa dung dịch đều ra toàn bộ bàn tay và chà hai tay vào nhau cho đến khi khô.
- Tránh chạm tay vào: Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch.
- Tìm hiểu thêm về rửa tay.
Thời điểm và cách thức vệ sinh các bề mặt và đồ vật
Vệ sinh bằng chất lau rửa dùng trong nhà có chứa xà phòng hoặc thuốc tẩy giúp làm giảm mầm bệnh trên bề mặt và giảm nguy cơ lây nhiễm từ bề mặt. Trong hầu hết các tình huống, việc vệ sinh sẽ giúp loại bỏ hầu hết phần tử vi-rút trên bề mặt.
- Định kỳ làm sạch các bề mặt và đồ vật tiếp xúc thường xuyên (ví dụ như hàng ngày hoặc sau mỗi lần sử dụng) và sau khi quý vị có khách đến thăm nhà.
- Chú trọng vào các bề mặt và đồ vật (tay nắm cửa sổ, bàn, tay cầm, công tắc điện, điện thoại, điều khiển từ xa và mặt bàn).
- Làm sạch các bề mặt khác trong nhà khi bị bẩn trông thấy hoặc khi cần thiết. Vệ sinh các bề mặt thường xuyên hơn nếu những người trong gia đình quý vị có nhiều khả năng bị bệnh nặng do COVID-19. Khử trùng trong một số trường hợp nhất định.
- Làm sạch bề mặt bằng cách sử dụng sản phẩm phù hợp với từng bề mặt, theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm.
Khi có người bị bệnh
Nếu nhà quý vị có người mắc bệnh hoặc có người mắc COVID-19 đã từng đến nhà quý vị trong 24 giờ qua, hãy làm sạch và khử trùng nhà quý vị. Việc khử trùng loại bỏ mầm bệnh và giảm sự lây lan.
Để biết thêm thông tin về việc vệ sinh và khử trùng an toàn, hãy xem phần Vệ sinh và khử trùng nhà cửa.
Theo dõi sức khỏe của chính mình
- Người chăm sóc nên ở nhà và theo dõi sức khỏe của họ để phát hiện các triệu chứng COVID-19 trong khi chăm sóc người bệnh.
- Các triệu chứng bao gồm sốt, ho và hụt hơi nhưng các triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện. Khó thở là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng hơn mà quý vị cần chăm sóc y tế.
- Người chăm sóc nên tiếp tục ở nhà sau khi hoàn thành việc chăm sóc. Người chăm sóc có thể rời khỏi nhà 14 ngày sau lần tiếp xúc gần nhất với người bệnh (dựa trên thời gian phát bệnh), hoặc 14 ngày sau khi người bệnh đáp ứng các tiêu chí ngừng cách ly tại nhà.
- Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và người khác là ở nhà trong 14 ngày nếu quý vị cho rằng mình đã tiếp xúc với người mắc COVID-19. Kiểm tra trang mạng của sở y tế địa phương để biết thông tin về các lựa chọn trong khu vực của quý vị để có thể rút ngắn thời hạn cách ly này.
- Sử dụng công cụ tự kiểm tra của CDC để giúp quý vị đưa ra quyết định về việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế phù hợp.
- Nếu quý vị khó thở, hãy gọi 911.
- Gọi cho bác sĩ hoặc phòng cấp cứu và cho họ biết các triệu chứng của quý vị trước khi đi vào. Họ sẽ cho quý vị biết phải làm gì.