Đồ chơi xếp hình Lego là một trò chơi giải trí tuyệt vời. Trò chơi này không chỉ giúp con sáng tạo mà còn giúp phát triển nhiều kỹ năng cần thiết.
Lego là một trò chơi lắp ráp đã xuất hiện gần 80 năm và Lego Duplo lần đầu tiên xuất hiện là cách đây 50 năm. Thật đáng ngạc nhiên khi những miếng nhựa đầy màu sắc trở thành món đồ chơi phổ biến cho trẻ em trên thế giới. Trò chơi này vừa hấp dẫn vừa sáng tạo giống như một công cụ dạy cho trẻ học nên nhiều bố mẹ lựa chọn trò chơi này cho con. Ngoài ra, bố mẹ có thể chơi cùng con mọi lúc mọi nơi. Chơi Lego cũng là một cách giúp thúc đẩy sự phát triển trí não của trẻ. Sau đây là một số lợi ích của trò chơi xếp hình đối với sự phát triển của trẻ:
1. Phát triển kỹ năng xã hội
Khi cùng chơi Lego với bạn, con có thể học hỏi từ bạn bè và phát triển những kỹ năng xã hội. Trẻ biết cách chia sẻ suy nghĩ và khuyến khích kỹ năng giao tiếp với mọi người xung quanh. Khi trẻ cùng nhau hoàn thành một mô hình, chúng cần phải hợp tác với nhau để tìm ra những mảnh ghép. Điều này giúp con học được tinh thần làm việc trong tập thể như thế nào.
Trong một nhóm, bạn thường thấy một đứa trẻ có tố chất lãnh đạo hơn những đứa còn lại. Dĩ nhiên, không phải lúc nào trẻ cũng đồng ý với ý kiến của “người lãnh đạo” trong khi lắp ghép mô hình. Do đó, trò chơi này sẽ giúp trẻ học cách giao tiếp với bạn bè cũng như giải quyết vấn đề mà không cần tranh cãi.
2. Kỹ năng vận động tốt
Khi chơi lắp ráp mô hình lớn, trẻ cần phải tập trung phối hợp hoạt động giữa tay và mắt để lấy những mảnh ghép và gắn chúng lại với nhau. Những kỹ năng này đóng vai trò quan trong việc phát triển cơ bắp tay. Ngoài ra, trò chơi này còn giúp trẻ cải thiện tính khéo léo, một điều rất quan trọng khi học viết.
3. Học kỹ năng khoa học và toán học
Một số bố mẹ muốn con tiếp cận với lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Mặc dù những điều này con sẽ được học khi lớn lên nhưng nếu con tìm hiểu càng sớm thì càng có lợi cho con.
Ngoài việc xây dựng mô hình, bạn có thể dùng những miếng lắp ráp dạy con khái niệm toán học đơn giản. Ví dụ, bạn có thể yêu cầu con lấy những mảnh ghép với số lượng khác nhau hoặc dùng 10 mảnh ghép để tạo thành hình vuông, tam giác…
Hơn nữa, trò chơi lắp ghép còn giúp con suy nghĩ vấn đề theo nhiều khía cạnh. Ví dụ, lúc đầu trẻ cố gắng xây dựng một tòa tháp chỉ với một cái cột để chống đỡ và sau đó tòa tháp bị ngã. Lần sau, trẻ sẽ thử lại bằng cách xây dựng tòa tháp chắc chắn với nhiều cột hơn để có thể đứng vững.
4. Kích thích sự sáng tạo
Sau những lần lắp ráp theo mô hình thành công, trẻ có thể sáng tạo hình tượng khác không làm theo sách hướng dẫn nữa. Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy não trẻ đang hoạt động. Bạn khuyến khích trẻ tưởng tượng và xây dựng hình tượng mà chúng mong muốn.
Khi trẻ đã nghĩ ra và tạo hình tượng, bạn có thể hỏi tại sao con làm như vậy để nghe con lý giải suy nghĩ của mình. Bạn có thể thúc đẩy trí tưởng tượng của con bằng cách tự nghĩ ra một câu chuyện xoay quanh những nhân vật mà con vừa tạo ra.
5. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Ghép hình là trò chơi đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề liên tục. Ví dụ, khi trẻ nhận ra mình đang cầm một miếng ghép không phù hợp với mô hình, trẻ sẽ nhanh chóng tìm một miếng ghép khác phù hợp để tiếp tục hoàn thành mô hình đó. Điều này cho thấy trẻ phải định hình trước việc mình phải làm gì và làm như thế nào để hoàn thành mục tiêu đó.