Dạy trẻ kỹ năng ngày tết
Dịp Tết là cơ hội để con bạn gặp gỡ rất những người thân trong gia đình, bạn bè của bố mẹ và rất nhiều khách khứa. Trong một năm, đây là dịp mà con bạn được tiếp xúc với nhiều người lạ nhất. Chính vì thế là những lễ nghĩa cơ bản là điều bạn cần phải dạy, để bé là đứa trẻ ngoan trong mắt mọi người. Chắc hẳn không ai muốn ấn tượng của mọi người về con lại là đứa trẻ không lễ phép phải không. Hơn nữa, việc dạy con càng sớm sẽ càng tốt hơn cho sự phát triển của bé.
Dạy bé kỹ năng chúc tết
Khi chúc Tết không chỉ có người lớn mới cần phải chúc nhau, mà trẻ em cũng nên học cách chào hỏi đầu năm mới để tạo thêm thật nhiều may mắn. Khi trẻ nhỏ đã bắt đầu có thể nói lưu loát và rõ ràng thì cha mẹ nên bắt đầu dạy bé chúc Tết nhé!
Cách chúc Tết tùy thuộc vào độ tuổi mà có lời chúc thích hợp, ví dụ với ông bà thì chúc “khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi”, với người lớn (trung niên) thì chúc sức khỏe dồi dào, làm ăn phát tài”, với anh/chị thì chúc “hạnh phúc, may mắn”… Khi chúc bé nên nhìn thẳng vào Mắt người đối diện, vòng tay với thái độ vui vẻ và lễ phép.
Nếu ba mẹ có thể hướng dẫn hoặc làm giúp bé một bài thơ hay bài vè chúc Tết thì càng thú vị. Tuy nhiên, ba mẹ nhớ cho bé tập luyện kỹ để bé có thể tự tin khi “thể hiện”.
Hãy dạy bé khi nhận được lời chúc thì đáp lời “cảm ơn ông/bà/cô/chú… ạ” với thái độ vui mừng.
Dạy bé cách nhận lì xì ngày tết
Lì xì là phong tục quen thuộc không thể thiếu trong những ngày tết đến, xuân về. Khi thời khắc giao thừa đã điểm, những người thân trong gia đình thường tặng nhau những phong bao đỏ thắm cầu mong cho một năm mới an lành, vui vầy, hạnh phúc.
Nếu như trước đây, lì xì chỉ là một hình thức mang lại may mắn cho người được nhận, không quan trọng phong bao lì xì có bao nhiêu. Thường là những tờ tiền có mệnh giá nhỏ, mang tính tượng trưng nhưng phải là tiền mới. Thì nay lì xì lại được biến tướng mang tính thực dụng, đặc biệt là ở trẻ em thành phố.
Không ít câu chuyện “dở khóc dở cười” được lan truyền trên mạng mỗi khi tết đến xuân về khiến người lớn chúng ta phải suy ngẫm.
Việc so sánh số tiền “lì xì” hoặc bóc ngay phong bao lì xì trước mặt người tặng là những điều không nên. Đặc biệt là ở trẻ em. Cho và nhận lì xì cũng là một nét văn hóa, chính vì vậy, việc dạy trẻ nhận phong bao lì xì cũng là giúp trẻ tiếp thu một nét văn hóa đẹp, từ đó không làm biến tướng ý nghĩa của chữ “lì xì”.
Cha mẹ nên dạy con cách cảm ơn khi nhận phong bao lì xì. Dạy trẻ không xé phong bao lì xì khi đang ở trước mặt khách. Hành động xấu chắc chắn sẽ làm cho khách cảm thấy khó chịu. Cha mẹ có thể dặn con, những đồng tiền này dùng để xua đuổi quỷ dữ khi con ngủ. Vì thế, con tuyệt đối không được xé bọc lì xì ra. Con có thể gửi mẹ cầm giúp hoặc cha mẹ chuẩn bị cho con một chiếc túi nhỏ để đựng phong bao lì xì.
Khi trở về nhà, con cần cho tất cả những phong bao đó vào trong một chiếc túi và đặt dưới gối ngủ của con. Khi Tết đã thực sự kết thúc, thường là lúc hạ cây nêu hoặc gia đình làm lễ hóa vàng, các cha mẹ cần giúp con mở chiếc túi đựng lì xì ra và thu gom số tiền lì xì được nhận. Nếu các con đã đến tuổi sử dụng tiền, thường là lớp 3 trở lên, cha mẹ cần dạy con cách sử dụng hợp lý số tiền lì xì đó.
Cách thức đơn giản là yêu cầu con lên kế hoạch sử dụng số tiền đó, tham khảo trước giá cả, lập bảng chi phí cụ thể. Sau khi bố mẹ đã kiểm tra về tính hữu ích, mức giá tiền hợp lý, cách mua đồ, cách sử dụng…. mà thấy phù hợp thì có thể cho con chi tiêu số tiền đó. Cha mẹ có thể đưa con đi đến cửa hàng, cho con tự chọn đồ và tự trả tiền. Việc này sẽ giúp con hiểu thêm về giá trị đồng tiền và cách sử dụng…
Dạy bé ứng xử lúc ăn uống
Hầu hết ngày Tết, chủ nhà thường giữ khách lại để cùng ăn cơm với gia đình. Người lớn có thể nhâm nhi chén rượu hoặc uống cốc bia vui xuân, nhưng trẻ em vốn phản xạ theo tự nhiên, khi đã ăn no rồi, trẻ sẽ nhất quyết từ chối. Có trẻ sẽ quậy phá trong bữa cơm, có trẻ sẽ ngồi im nhìn mọi người bằng khuôn mặt khá phụng phịu.
Cách giải quyết tốt nhất cho tình huống này chính là bố mẹ chủ động mang theo trò chơi cho bé chơi hoặc cho con ra xem ti vi, ngồi đợi bố mẹ. Đối với trẻ ăn ngậm, ăn chậm hoặc lười ăn, bạn có thể cho con ăn ít, về nhà ăn tiếp. Không nên ép con ăn, nhất là khi mình là khách đến chơi.
Dạy bé làm một người chủ nhà rộng lượng
Bạn cần cho bé học cách tiếp đãi khách như mang nước và bày đồ ăn tùy vào khả năng của trẻ. Đối với những trẻ có độ tuổi nhỏ cần chú ý vào thái độ để bé lễ phép hơn khi khách hỏi cần phải trả lời trung thực và luôn thể hiện thái độ vui vẻ. Khi cha mẹ đang nói chuyện với khách không được xen ngang, nô đùa ầm ĩ, không được tranh luận hay bình phẩm với khách.
Cha mẹ cũng cần chú ý quan sát trẻ, kịp thời ngăn chặn những hành động không tốt của trẻ như chuyển chủ đề cho trẻ quên đi. Đồng thời bạn dạy trẻ cách lịch sự khi tiễn khách, thể hiện cảm tình như “cô chú lần sau lại tới nhà cháu chơi”… Cha mẹ cần chú ý không nhận xét sau khi khách đã về. Điều này khiến trẻ rất dễ học theo thói quen nói xấu sau lưng người khác.
Dạy bé cách trở thành người khách cực yêu mến
Khi đi đâu cha mẹ đừng bao giờ ngại dẫn trẻ đi theo vì việc dạy trẻ làm khách là một việc rất tốt. Đầu tiên hãy cho trẻ biết con sắp đi đâu, con cần xưng hô với người ở đó như thế nào. Đồng thời khi đối mặt với hoàn cảnh lạ, trẻ sẽ không cảm thấy sợ hãi, ngượng ngùng. Cha mẹ cần chủ động dẫn trẻ vào giới thiệu với chủ nhà, giúp trẻ cảm thấy mình được quan tâm, tôn trọng.
Bất kể khi đến nhà bạn nhỏ hay người lớn, trẻ đều phải chủ động nói lời chào trước. Trẻ cũng nên biết nói lời cám ơn khi nhận được sự tiếp đãi nhiệt tình của chủ nhà. Nếu trẻ chưa biết bố mẹ có thể hướng dẫn bé để bé học theo như ” Con chào bác đi nào” hoặc nếu bé nhận được tiền lì xì bé nên biết cám ơn.
Tất cả những điều này đều rất cần thiết cho con sau này. Nó sẽ là hành trang đầy đủ giúp con vững bước trong cuộc sống, luôn nhận được sự yêu mến và tôn trọng từ người khác.